Theo đơn tố cáo, với mục đích huy động vốn trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người nên vào tháng 4/2016, ông T.T.L (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) đã dựng lên 1 sàn tài chính mang tên fxmt4.us trả lãi suất cao. Sàn tài chính này hoạt động trên nguyên tắc Cho – Nhận (người chơi tự giao dịch với nhau) và thanh toán bằng bitcoin (một loại tài sản có giá trị tương đương tiền mặt, có khả năng thanh khoản cao) và chủ sân chỉ thu phí (tiền pin).
Theo đó, ông L. tự nhận mình là người lập nên sân chơi tài chính và điều hành mọi hoạt động của sân cũng như trực tiếp làm việc với đội ngũ admin. Để nâng cao uy tín và tạo niềm tin cho người tham gia an tâm “rót tiền”, ông L. hô hào rằng mình có công ty riêng về Forex tại TPHCM. Đồng thời, bản thân nhà sáng lập sân chơi cũng là người có kinh nghiệm về tài chính, đã test kỹ về thuật toán. Do đó, ông L. khẳng định, sàn tài chính này cực kỳ an toàn và hiệu quả.
Không chỉ vậy, theo những người bị hại, chủ sân chơi này đã đưa ra mức lãi suất ảo rất lý tưởng để thu hút người chơi. Cụ thể, mức lãi suất mà người này công khai trên sàn tài chính của mình là 4,8%/ngày (tương đương 144%/ tháng). Đồng thời, ông L. còn “dựng” lên một số nguyên tắc hoạt động của sân chơi khiến hàng ngàn người bị mê hoặc.
Đơn tố cáo ông chủ sàn tài chính ảo chất chồng
“Ông L. công khai trên sàn rằng, fxmt4 không phải là mô hình đa cấp, thương mại điện tử hay đầu tư tài chính. Fxmt4 không phải là ngân hàng nên không thu tiền của bất kỳ ai; fxmt cũng không phải là một công ty do đó không có ông chủ.
Theo người sáng lập, fxmt4 chỉ là một phương thức kết nối cộng đồng và là mạng xã hội tài chính, nơi mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau. Trên cơ sở đó, txmt4 cung cấp cho người chơi một hệ thống giao dịch chuyên nghiệp, giúp hàng triệu người Việt Nam tham gia để sẵn sàng giúp đỡ người khác và đón nhận sự giúp đỡ của những người khác”, một người tham gia sân chơi cho biết.
Theo tìm hiểu của Dân trí, để đánh lừa mọi người, T.T.L đã đưa ra quy định dùng đồng tiền ảo bitcoin để giao dịch trên hệ thống sàn fxmt4. Chính vì vậy, nếu muốn tham gia vào sân chơi tài chính do ông L. tạo lập, mỗi người chơi phải mua ít nhất 1 bitcoin, giá trung bình của mỗi bitcoin là 14 triệu đồng. Song song với đó, Lâm sẽ cùng ê kip IT (chuyên gia công nghệ thông tin) phụ trách kỹ thuật công nghệ cao tạo một loạt mã ảo được hiển thị bằng những số bitcoin tương ứng trong tài khoản của người chơi.
Tất cả tiền mua bitcoin của người tham gia đều được chuyển đến tài khoản ảo do ông L. tạo ra thông qua ngân hàng Vietcombank và Sacombank, trong đó các giao dịch chuyển tiền được thực hiện nhiều nhất tại ngân hàng Vietcombank. Đồng thời, ông L. cùng các cộng sự còn “chu đáo” hướng dẫn mọi người khi chuyển tiền thì phải ghi vào mục lý do chuyển tiền là mua bao nhiêu bao gạo chứ không được ghi là mua bitcoin (bao gạo là ám hiệu để thay cho bitcoin, 1 bao gạo tương ứng 1 bitcoin – PV).
Đáng chú ý, đến thời gian bổ sung bitcoin thì ông L. cùng với cộng sự sẽ nhắn tin nhắc nhở và chỉ định tài khoản để người chơi chuyển tiền vào.
Được biết, thời gian đầu khi sàn fxmt4 hoạt động, ông T.T.L hướng dẫn người chơi phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do ông đứng tên. Về sau, ông còn tạo ra rất nhiều tài khoản khác để thực hiện mục đích nhận tiền mua bitcoin của người tham gia.
"Ngậm bồ hòn" vì "bánh vẽ" lãi suất
Nhiều nạn nhân của ông L. cho biết, nhằm lôi kéo đông đảo người tham gia, chủ sân này còn trực tiếp đi đến nhiều địa phương trên địa bàn cả nước và tổ chức những hội thảo đế thuyết trình về sân chơi do mình lập ra. Điều đáng nói là khả năng diễn thuyết của người này quá tài tình khiến rất nhiều người không thể phân biệt được thật giả nên tự đưa mình đến “cửa tử”.
Trước hàng loạt hành động quyết đoán cùng những “lời đường mật” của ông L., hàng ngàn người đã hết lòng tin tưởng nên tham gia cũng như giới thiệu gia đình, bạn bè mình tham gia. Hơn nữa, nhiều người bị cuốn hút bởi lãi suất “bánh vẽ” mà chủ sân này đưa ra nên đã lầm tin, chấp nhận đi vay mượn rất nhiều tiền để chuyển vào những số tài khoản do ông L. đứng tên và nhiều số tài khoản của người khác do ông L. chỉ định để được tham gia cuộc chơi “Cho – Nhận” này.
T.T.L thuyết trình với dân về sân chơi cho nhận để lôi kéo người tham gia
Khi thời điểm cộng đồng tin tưởng đưa tiền lên sàn nhiều nhất thì lúc này ông L. có hành động cho dừng sàn (ông L. cho là vì lý do kỹ thuật) để không phải chi trả cho cộng đồng. Ông L. đã dùng toàn bộ số tiền đó chi trả vào việc riêng.
Khi trang web bị “đóng cửa”, nhiều người chơi bức xúc phản ánh thì ông L. đưa ra lý do là tạm thời đóng cửa để nâng cấp, cải thiện để “trấn an” người đã tham gia. Đồng thời ông L. cũng chỉ đạo các cộng sự của mình tích cực ngăn chặn, tìm cách bác bỏ phản hồi của người bị hại để giữ sự “tinh khiết” của sàn tài chính này nhằm thu hút những đối tượng chưa tham gia nhanh chân “lên sàn”.
Đến nay, đã 4 tháng kể từ khi tham gia hàng ngàn người chưa nhận được 1 đồng nào từ sàn và không nhận được 1 câu trả lời rõ ràng nào. Với mức giá trung bình 1 bitcoin mà người dân phải mua để đưa vào sàn của ông T.T.L có giá 14 triệu/bitcoin, khoản tiền mà những người dân sống tại tỉnh Gia Lai tham gia tố cáo đã “đổ vào túi” ông L. lên tới 48,5 tỷ đồng.
“Tính đến thời điểm 2 tháng trước, 100% người bị hại chưa có bất kỳ ai nhận được tiền gốc của mình, thậm chí tiền lãi cũng “không thấy đâu”. Khi hay sự việc như vậy, chúng tôi đại diện cho người bị hại tại tỉnh Gia Lai đã làm việc đối thoại với ông L. suốt 2 tháng qua. Ông L. tiếp tục hứa hẹn nhưng đến nay chưa thực hiện điều gì buộc lòng chúng tôi đã phải tức tốc vào TPHCM tìm gặp ông L. để đòi tiền. Mỗi lần gặp chúng tôi, ông L. đều có sự chuẩn bị trước rất kỹ, khi đến nói chuyện thì có thuê xã hội đen đi theo để bảo vệ, có luật sư riêng để chạy tội”, một người bị hại bức xúc.
Được biết, vì “lầm tin” vào sân chơi do mà ông L. tạo lập mà rất nhiều người tham gia đã rơi vào cảnh “nhà tan cửa nát”. Đặc biệt, trong số đó có 2 người đã tự tử do không có khả năng trả nợ vay khi tham gia vào cuộc chơi “Cho nhưng không có nhận” của ông L.
Tác giả bài viết: Công Quang
Nguồn tin: