Sáng 9/10, hàng nghìn thí sinh có mặt tại Đại học Lao động Xã hội (Hà Nội) để dự kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 do Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Cơ quan phát triển nguồn lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/10 tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An) và TP HCM với hơn 21.600 lao động dự thi. Đây là kỳ thi đầu tiên sau khi Việt - Hàn ký kết lại Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) hồi tháng 5/2016.
Hà Nội có hai điểm thi tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Lao động xã hội với trên 10.000 lao động phía Bắc, từ Ninh Bình trở ra. Người dự thi chủ yếu là lao động trẻ trên dưới 20 tuổi.
Thí sinh dự thi buổi sáng phải có mặt trước 7h. Nhiều người ở các tỉnh lân cận Hà Nội chọn cách đi xe máy từ sớm. Trần Thị Nhật Lệ (quê Bắc Giang) đang học trung cấp tiếng Hàn ở Bắc Ninh có mặt từ sớm. Cô gái 20 tuổi đi thi để biết năng lực của mình đến đâu rồi mới quyết định đăng ký hồ sơ đi xuất khẩu lao động. "Đi Hàn Quốc cũng khó lắm vì nhiều người đăng ký, tỷ lệ chọn rất thấp", Lệ nói.
Lực lượng thanh niên, an ninh kiểm tra thẻ dự thi của thí sinh trước khi vào trường thi. Nhiều thí sinh đến trường thi rất sớm, trò chuyện cùng nhau cho bớt căng thẳng. Nếu vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, kết quả thi và hồ sơ của họ sẽ được lưu trong 2 năm tại hệ thống của ban tổ chức để chủ sử dụng lao động có thể lựa chọn. Những người đủ điều kiện, có nguyện vọng đi Hàn Quốc làm việc nhưng không đỗ kỳ thi này có thể tiếp tục tham dự kỳ thi vào tháng 11.
Ngoài thẻ dự thi và những vật dụng cần thiết, thí sinh không được mang điện thoại vào phòng thi.
Thí sinh xem sơ đồ phòng thi. Với chỉ tiêu chọn 2.100 lao động, kỳ thi có tỷ lệ "chọi" 1/10, gay gắt chẳng kém thi đại học. Nhiều người không kiên nhẫn chờ, trèo ngược rào để xem bảng danh sách, sơ đồ phòng thi.
Thí sinh xếp hàng vào phòng thi. Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết phía Hàn Quốc ra đề, chấm thi. Đề thi được bảo mật, vận chuyển từ Hàn Quốc sang Việt Nam và phát tại phòng thi nên không tổ chức, cá nhân nào can thiệp được vào kết quả bài thi. Người lao động cần lưu ý để tránh bị "cò mồi" lừa đảo bằng cách dụ dỗ mua đề, thay đổi điểm bài thi.
Trước khi vào phòng, thí sinh phải bước qua cổng từ để kiểm tra xem có mang theo điện thoại di động, máy nghe nhạc, từ điển điện tử, các thiết bị điện tử vào phòng thi không.
Dù được phổ biến quy chế, nhiều thí sinh vẫn cố tình bọc giấy bạc để mang điện thoại vào trường thi.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đi kiểm tra phòng thi. Các thí sinh sẽ làm bài trắc nghiệm gồm hai phần đọc và hiểu, mỗi phần 25 câu. Mỗi người được phát một phiếu trả lời và không được thay thế, sửa đổi thông tin trên phiếu.
Thanh tra Bộ thu được cả điện thoại bọc lốp cao su ném lên phòng thi cho thí sinh. Theo quy chế, những thí sinh gian lận sẽ bị hủy bài kiểm tra và cấm dự thi trong vòng 2 năm.
Tác giả bài viết: Hoàng Phương - Võ Hải