|
“Các vấn đề liên quan đến đất đai được Thanh Tra Chính Phủ nêu ra trước đây, đến nay cũng chưa được giải quyết, đó là vướng mắc lớn nhất, là rào cản làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cách thức thực thi công vụ, sự nhiệt tình và sự tận tâm của bộ máy và cán bộ đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp là vấn đề cần quan tâm cải thiện hơn nữa. Đó là hai yếu tố then chốt để Đà Nẵng bứt phá, phát triển”. Nội dung tham luận của ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng gửi đến "Tọa đàm mùa Xuân 2019" diễn ra tại Đà Nẵng ngày 1-3.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (trái) trao đổi với các nhà đầu tư bên lề Tọa đàm mùa Xuân 2019. Ảnh: TẤN VIỆT |
Nghị quyết 43 – Đà Nẵng sẽ đẳng cấp hơn
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành cho Đà Nẵng tập trung phát triển ba trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển.
Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền.
“Điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đan xen, gắn kết và trở thành dòng chảy chủ đạo trong các quyết sách của TP”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian tới, Đà Nẵng cần tạo ra được một không gian phát triển tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh và thể chế phải đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Đà Nẵng tập trung cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển TP theo đúng tinh thần Nghị quyết 43. TP cần tiếp cận, sử dụng phương pháp quy hoạch không gian đô thị đáp ứng được tốc độ phát triển và tạo môi trường sống tốt cho người dân. Khi làm quy hoạch, Đà Nẵng cũng phải đảm bảo gắn kết được các yếu tố tiếp cận đô thị thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý Đà Nẵng cần tập hợp trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học… trong xây dựng chiến lược phát triển.
“Sau 16 năm được công nhận là đô thị loại I, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa cao. Đà Nẵng sẽ sớm trở thành đô thị giữ vai trò là cực tăng trưởng lớn trong khu vực và cả nước, trở thành TP đẳng cấp trong khu vực”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, ví von rằng nếu nói Tọa đàm mùa Xuân 2018 là Đà Nẵng khởi động trong thu hút đầu tư, thì tọa đàm năm nay là dịp tăng tốc.
TS. Trần Du Lịch chỉ ra Nghị quyết 43 có những điểm nổi bật như giúp Đà Nẵng có cơ chế tự chủ rõ ràng, cho phép TP xây dựng cơ quan quản lý cảng thống nhất (trước đây gọi là Chính quyền cảng), mô hình chính quyền đô thị… Những yếu tố này sẽ giúp Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của TP trong tương lai.
Khoảng 500 đại biểu là đại diện các nhà đầu tư, chuyên gia... tham dự Tọa đàm mùa Xuân 2019. Ảnh: TẤN VIỆT |
Kế sách từ chuyên gia
Gửi đến tọa đàm bài tham luận, ông Phạm Bắc Bình đề nghị Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã quy hoạch; đồng thời đầu tư mới các KCN, CCN theo phương án xã hội hóa. Vị này kiến nghị Đà Nẵng xây dựng cơ chế “Đầu tư một cửa”, khuyến khích thành lập công ty tư vấn có đủ uy tín hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật được nhanh chóng.
“Đà Nẵng cần xác định thu hút đầu tư phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường để tăng trưởng mà lựa chọn nhà đầu tư có tâm, có tầm, phù hợp với chủ trương phát triển của TP. Cần tăng cường thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường thành một chủ trương xuyên suốt và tuân thủ nghiêm ngặt”, ông Bình cho hay.
Ông Lê Trí Hải, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, thẳng thắn nhìn nhận Đà Nẵng trong năm 2018 còn một số tồn tại vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt là công tác cấp phép đầu tư, thủ tục hành chính, thẩm định môi trường, giám sát xây dựng kéo dài hằng năm.
“Chỉ trong vòng 10 năm nữa, dân số Đà Nẵng sẽ đạt 2,5 triệu người, số lượng du khách cũng sẽ tăng lên gấp ba lần. Có thể khẳng định, việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường đầu tư nếu chúng ta quy hoạch không đồng bộ. TP cần đưa ra các tiêu chí cần thiết để đảm bảo thu hút đầu tư không chỉ trong từng năm mà trong vòng 10 năm hoặc thậm chí là 30 năm tới”, ông Hải nói.
Ông Takizawa Satoru, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho rằng điều cấp bách với TP lúc này là hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng. “Việc thu hồi chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng không nhanh, vì vậy, việc đầu tư này hay bị trì hoãn. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng không gì khác chính là môi trường sống của người dân, vì vậy tôi mong TP có những quyết sách phù hợp với quy mô và thay đổi của TP”, ông Takizawa nhận định.
Cũng theo vị này, Đà Nẵng cũng cần tập trung giải quyết câu chuyện thiếu không gian. Các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn trong việc tìm đất và văn phòng. Đà Nẵng cũng thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Nếu người Đà Nẵng có môi trường sống tốt thì kéo theo đó, TP sẽ thu hút được nhiều nhân lực, nhiều nhà đầu tư hơn.
Hàng nghìn tỉ biến nước thải thành nước tắm Tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam cam kết với nhân dân TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo TP rằng ông sẽ hiến kế để làm sạch nước thải. Cụ thể, trong khoảng 10.000 tỉ mà ông Dũng dành để xây các nhà máy xử lý nước thải trên cả nước, phần lớn sẽ tập trung cho Đà Nẵng. "Mục tiêu là xử lý tất cả các hồ nước ở Đà Nẵng, sao cho hồ nào thả cá xuống thì nó vẫn sống được. Tất cả các cửa xả thải ra biển hiện nay sau khi xử lý sẽ biến thành các hồ bơi nước ngọt, có thể tắm được. Tôi đã khảo sát bờ biển Nguyễn Tất Thành, tại đây có hai cửa xả, sau xử lý sẽ biến nơi đây thành biển sạch, không còn hôi thối. Làm sao để người dân ở đâu tại Đà Nẵng cũng tắm được biển gần nhất, không phải dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác", ông Dũng cam kết. |
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM