Thông điệp mà giải Nobel Hòa bình 2018 muốn gửi đi, theo bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, là: "Phụ nữ, vốn chiếm một nửa dân số thế giới, bị lợi dụng làm vũ khí chiến tranh. Họ cần được bảo vệ trong khi những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm và bị truy tố".
Lên tiếng thay các nạn nhân
Vượt qua tổng cộng 331 ứng viên năm nay, gồm 216 cá nhân và 115 tổ chức, bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và cô gái người Yazidi Nadia Murad được vinh danh hôm 5-10 vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Trong lúc ông Mukwege dành cả đời bảo vệ các nạn nhân thì cô Murad là nhân chứng sống kể lại những thống khổ mà cô và hàng ngàn phụ nữ khác phải chịu đựng.
Theo đài CNN, bác sĩ Mukwege có khá nhiều biệt danh, như "thiên thần của Bukavu", "người đàn ông cứu chữa cho phụ nữ"... Cả đời vị bác sĩ ngoài 60 tuổi này là chuỗi ngày làm việc không mệt mỏi, bất chấp hiểm nguy để giúp đỡ những nạn nhân của nạn bạo lực tình dục ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Tại TP Bukavu ở miền Đông DRC, ông lập nên bệnh viện Panzi đạt chuẩn quốc tế vào năm 2008 và kể từ đó cùng với nhân viên của mình điều trị cho hàng ngàn nạn nhân. Bác sĩ Mukwege còn được xem là "biểu tượng tiên phong và thống nhất cả trong nước lẫn quốc tế" trong cuộc đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục.
Cô Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege là những người chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2018 Ảnh: REUTERS |
Với nguyên tắc cơ bản "công lý là chuyện của mọi người", ông Mukwege và gia đình buộc phải rời đất nước sau khi nhà ông bị tấn công vào tháng 10-2012. Nhưng chỉ vài tháng sau, vào tháng 1-2013, ông lại quay về tiếp tục công việc tại bệnh viện.
Cùng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay với ông Mukwege là Nadia Murad, cô gái trẻ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc tại miền Bắc Iraq vào năm 2014. Cùng với khoảng 3.000 phụ nữ người Yazidi khác trở thành nô lệ tình dục của IS nhưng Murad quyết đi ngược định kiến xã hội - phụ nữ phải nhẫn nhục và tự xấu hổ vì bị chà đạp - để cất lên tiếng nói về thảm kịch, bao gồm nỗi đau bị IS tàn sát mẹ và 6 anh em trai trong cùng 1 ngày.
Không ngừng đóng góp
Bà Reiss-Andersen cho biết Murad đã vô cùng can đảm khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay cho các nạn nhân khác.
Chia sẻ với đài CNN hồi năm ngoái, Murad đã kể lại cảnh IS tấn công cộng đồng của cô vào ngày 3-8-2014. "Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em người Yazidi đã bị bắt cóc, khoảng 5.000 người trong cộng đồng bị hành quyết trong ngày hôm đó. Trong suốt 8 tháng, IS chia cách chúng tôi khỏi mẹ, các anh chị em của mình, một số người bị giết còn những người khác mất tích" - cô Murad đau đớn kể lại.
Sau khi người thân bị sát hại, Murad cùng với những phụ nữ chưa lập gia đình khác trở thành nô lệ tình dục và bị trao đổi giữa các tay súng IS.
Sau 3 tháng ác mộng, Murad chạy trốn thành công. Năm 2016, ở tuổi 23, cô gái được chọn làm đại sứ thiện chí đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đại diện cho phẩm giá của những người thoát khỏi nạn buôn người. Nhà hoạt động Murad cũng từng được nhận giải thưởng danh giá về nhân quyền Sakharov do Liên minh châu Âu trao tặng hồi năm 2016. Cùng năm đó, cô gái trẻ giành thêm giải thưởng về nhân quyền Vaclav Havel của Hội đồng châu Âu.
Murad trở thành người phụ nữ thứ 17 và là người trẻ tuổi thứ hai đoạt Nobel Hòa bình sau Malala Yousafzai, cô gái trẻ người Pakistan được trao giải thưởng cao quý này ở tuổi 17 vào năm 2014. Chia sẻ niềm vui sau khi hay tin, Malala viết trên mạng Twitter: "Công việc của họ đã cứu sống nhiều mạng người và giúp nhiều phụ nữ lên tiếng về nạn bạo lực tình dục".
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cũng cho rằng cả hai đều mạo hiểm sự an toàn của chính mình, can đảm chiến đấu chống lại tội ác chiến tranh và bảo vệ công lý cho các nạn nhân. Trong khi đó, ông Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhấn mạnh với hãng tin Reuters: "Những thành tựu phi thường của họ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với nạn tội phạm bạo lực tình dục".
Nobel Hòa bình là giải Nobel thứ 4 được công bố trong mùa giải năm nay sau các giải Nobel Y học, Vật lý và Hóa học. Giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 8-10.
Ca ngợi và tán dương Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Theo trang Independent (Anh), giải thưởng năm nay trị giá hơn 990.000 USD. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) - tổ chức thứ 23 được vinh danh kể từ khi giải ra đời từ năm 1901. Sau khi kết quả chính thức được công bố, ICAN nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến ông Mukwege và cô Murad. ICAN cho rằng cả hai nhà hoạt động đều xứng đáng nhận được vinh dự này vì những đóng góp phi thường nhằm chống lại nạn bạo lực tình dục. Còn biên tập viên Katharine Viner của báo Guardian ca ngợi ông Mukwege là "một trong những người đàn ông vĩ đại nhất còn sống". "Tiến sĩ Mukwege không chỉ là một bác sĩ phi thường mà còn là một nhà lãnh đạo nhân quyền can đảm, thể hiện vai trò quan trọng trong việc làm chứng cho nạn lạm dụng và lên tiếng chống lại sự bất công" - giám đốc điều hành tổ chức Donna McKay nhận định. Hàng loạt lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế ca ngợi và tán dương những đóng góp phi thường của hai chủ nhân giải thưởng năm nay. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng chúc mừng cả hai đã giành chiến thắng, đồng thời ca ngợi "lòng dũng cảm, lòng thương người và nhân đạo mà họ thể hiện trong cuộc chiến hằng ngày". Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Iraq, ông Jan Kubis, cho biết Murad đã thể hiện "chủ nghĩa anh hùng, dũng cảm và khả năng phục hồi nhanh chóng khi đối mặt với những kẻ tra tấn và ngược đãi". Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cũng chúc mừng Murad vì những nỗ lực của cô giúp chữa lành vết thương lòng của các nạn nhân buôn người và hành động tàn bạo khác. |
Tác giả: XUÂN MAI
Nguồn tin: Báo Người lao động