Máy bay quân sự xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) trong lúc huấn luyện đã rơi ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Chia sẻ với Zing.vn, đại tá Nguyễn Thành Trung, cựu phi công máy bay quân sự, cho biết ông rất bất ngờ và đau xót khi nghe tin trung tá Khuất Mạnh Trí và thượng tá Phạm Giang Nam hy sinh.
Phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Báo Nhân Dân. |
“Dù không cùng thế hệ nhưng họ là đồng chí của tôi. Tổn thất này không phải chỉ riêng của Quân chủng Phòng không, của Bộ Quốc phòng mà nó ở mức quốc gia”, cựu phi công Nguyễn Thành Trung nói.
Ông Trung nói rằng sự cố khi huấn luyện máy bay quân sự là không ai mong muốn. Trong tình huống tai nạn, máy bay hư hỏng có thể mua được cái khác nhưng mất phi công là tổn thất vô cùng lớn.
"Để đào tạo một phi công quân sự rất khó và mất nhiều thời gian, trong khi họ đều là những phi công lão luyện, bay rất nhiều giờ, là vốn quý của Bộ Quốc phòng", ông Trung trầm giọng.
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung nói rằng sau mỗi sự cố, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ vào cuộc xác minh nguyên nhân để có biện pháp xử lý, tránh những tai nạn tương tự.
“Mỗi lần máy bay cất cánh, chỉ huy đều cố gắng làm sao an toàn ở mức cao nhất, tai nạn, hy sinh ở mức thấp nhất. Nhưng sự việc xảy ra rồi, chúng ta phải chấp nhận và vượt qua. Tôi từng lái máy bay chiến đấu, từng đối mặt với hiểm nguy khi máy bay gặp sự cố. Nhưng tôi may mắn vì sự cố không quá nghiêm trọng và xử lý kịp thời”, đại tá Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc chiều 26/7. Máy bay rơi vào quả đồi, không trúng nhà dân. Ảnh: P. Hòa. |
Trong lúc bay huấn luyện, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35.
Theo thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Xã Nghĩa Yên (chấm đỏ) cách TP Vinh chừng 100 km. Ảnh: Google Maps. |
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn) cho biết vị trí máy bay rơi là quả đồi và không trúng nhà dân. Phát hiện sự việc, người dân lập tức báo cáo lên chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng sau đó đã có mặt phong toả khu vực này.
Tiêm kích bom Su-22 là máy bay chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc từ năm 1988. Máy bay có tính năng đặc biệt với công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng. Hiện, Trung đoàn 921 được trang bị 3 loại máy bay chính là Su-22M, Su-22M3 và Su22-M4. |
Tác giả: Văn Chương
Nguồn tin: zing.vn