Gần 12 giờ trưa thứ bảy, chị Hằng Karose (Bùi Thị Thanh Hằng -sinh năm 1980), vẫn đầu đội mũ lá, chân đi dép tổ ong dẫn chúng tôi vào thăm khu vườn hoa hồng trải rộng trên sườn đồi. Vừa đi, chị vừa giới thiệu: “Mình vừa mới cắt hoa xong nên vườn ít hoa, nhìn không được đẹp bằng những lúc chưa cắt".
Song, ít hoa là đối với chị. Chứ với chúng tôi, khi đặt chân vào vườn hồng, trước mắt hiện ra cả một rừng hoa đủ màu sắc, thơm ngát. Từ màu đỏ chót của những gốc hồng nhung đang trổ bông, cho tới màu hồng phấn sáng rực của những bông hồng cổ Sapa, rồi màu phớt hồng của những cây hồng quế, màu trắng tinh khôi của loại hoa hồng bạch,...
Chị Hằng hiện đang sở hữu 2 vạn gốc hoa hồng
Ấn tượng hơn cả là mùi hương thơm quyến rũ đặc trưng, tỏa ra từ những bông hồng đang khoe sắc. Thi thoảng, lại thấy những con bướm đang bay lượn khắp vườn, hay những chú ong đậu kín hoa để tranh thủ hút mật ngon.
Chị Hằng kể, chị là một người đam mê nông nghiệp tự nhiên và cây con giống bản địa nên giống hoa hồng trồng trong vườn đều là hoa hồng cổ, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên không hoá chất. Chị không trồng hồng ngoại vì dễ bị sâu bệnh. Lúc chúng tôi ghé thăm, nằm rải rác xung quanh vườn là những bao tải phân gà ủ hoai mục mới được chia ra để chuẩn bị bón cho cây.
"Dù sở hữu cả vườn hồng rộng lớn nhưng tôi làm vì tôi thích và đam mê, chứ không phải nghề chính". Chị Hằng chia sẻ, chị tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, hiện là Giám đốc pháp chế cho một tập đoàn viễn thông của Thụy Điển - phụ trách 4 nước khu vực Đông Nam Á gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.
Chị tâm sự mê hoa hồng từ ngày còn bé xíu. Khi ấy, trong vườn nhà chị cũng có đến vài trăm gốc hồng lớn nhỏ. Niềm đam mê ấy lớn dần lên, cho tới khi chị trưởng thành. Lúc nào chị cũng thích chơi hoa, thưởng hoa, nhất là với loại hoa hồng cổ.
Các gốc hoa hồng đang đua nhau bung nở
Cây nào cũng sai hoa, bông to khủng
Vì quá yêu thích hoa hồng nên chị lần mò tìm hiểu, đi khắp nơi để đem các giống hồng bản địa chuẩn về trồng tại vườn nhà. Khi tìm được những địa chỉ ươm giống uy tín, chị bỏ ra cả số tiền lớn để mua giống - là những cây hồng nhỏ xíu đặt trong bầu cho tới những cây hồng cổ thụ - rồi mang về tự tay trồng, bón phân, tưới nước, chăm chút tỉ mỉ để hồng lên từng đọt mầm non.
“Chăm hoa hồng không khác gì chăm đứa trẻ. Muốn cây khỏe, khi trồng tôi phải tính toán đào hố sâu bao nhiêu, đặt cây phải thẳng đứng, lấp đất bao nhiêu phân. Quá trình chăm sóc thì bón phân gà, phân trâu bò như thế nào cho cây đủ chất dinh dưỡng; tươi nước ra sao cho hợp lý, để cây phát triển tốt nhất mà tránh bị ngập úng. Tôi học cả cách nhìn cành hồng như thế nào là cành điếc, không thể ra hoa rồi cắt chúng đi nhằm kích thích đâm lộc mới. Hay, phải học cả cách cắt cành khi hoa đã nở để cây đâm nhiều lộc, sau này sai hoa hơn”, chị nói.
Theo chị, trồng cây cũng cần phải đặt cả tâm hồn mình vào đó mới giúp cây lớn khỏe mạnh. Trong suốt hai năm, từ khi quyết tâm bắt tay phát triển vườn hồng với số lượng lớn, hầu như đêm nào chị cũng thức trắng, nhiều nhất cũng chỉ ngủ 3-4 tiếng. Nhân viên của chị lâu dần cũng quen với việc sáng ngủ dậy thấy tin nhắn nhắc việc hoặc chia sẻ ý tưởng gửi đi lúc 2-3h sáng. Bởi, ban ngày chị làm công việc chính của mình là luật sư, còn thời gian rảnh chị lại dồn hết vào vườn hồng.
Những ngày đầu thì bao giờ cũng vất vả như vậy. Cứ thế, ngày qua ngày, tích tiểu thành đại, khu vườn đồi rộng 10.000 m2 ở Thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) được chị trồng kín các loại hồng quế, hồng nhung, hồng cổ Sapa, hồng vân khôi, hồng bạch,... Tiếp đó, chị trồng và phát triển thêm một vườn hồng ở Hòa Bình và 2 vườn nữa ở Hưng Yên.
Kết quả là chị đã có cho riêng mình vườn hồng khoảng 2 vạn gốc. Trong đó, cây nào cũng sai hoa, bông hoa to khủng. Đặc biệt, có những gốc hồng lên đến gần chục năm tuổi.
Khi thấy chị dồn hết thời gian và tâm huyết vào vườn hồng, bạn bè của chị thắc mắc, rằng chị lấy đâu nhiều thời gian và năng lượng để một lúc làm hai việc,... Song, chị thường bảo, nếu sắp xếp thời gian thật khoa học thì không khó. Và quan trọng hơn, dù cả hai công việc đều rất bận rộn nhưng chúng lại bổ trợ cho nhau.
Trong khi công việc của luật sư rất khô cứng, đòi hỏi phải tập trung cao độ thì nhờ trồng hoa, chị có thời gian để thư thái, để xả bớt mệt nhọc, giúp chị cân bằng mọi thứ.
Giờ đây, vào những lúc rảnh rỗi hay dịp cuối tuần, chị lại lái xe từ nội thành đưa các con về vườn hồng chơi, nghỉ ngơi thư giãn, tận hưởng không khí trong lành, ngắm và thưởng những bông hồng đang khoe sắc thắm. Thỉnh thoảng, chị ngồi ngoài hiên nhâm nhi chén trà hoa hồng do tự tay mình làm, tận hưởng trái ngọt sau những tháng ngày vất vả đã qua.
Tác giả bài viết: Băng Dương
Nguồn tin: