“Kỷ cương là cái gốc của giáo dục... Giáo dục bao năm cứ bền bỉ trong dòng chảy một dân tộc hiếu học, hết lòng vì sự học mà dựng nên những tượng đài…Thầy nghiêm khắc, trò nên người. Thầy nhân ái, bao dung, trò cũng không dám nhờn mà vượt qua khuôn phép. Người có chữ nghĩa là tinh hoa dân tộc, vì tri thức đi liền với đức hạnh. Lớp học trường làng có khi chỉ vài học trò với một thầy cặm cụi mà thấm đẫm đạo lý sâu xa, tầm nhìn quốc gia xã tắc không hề bó hẹp… Năm mới, xin gửi niềm tin vào những đổi thay của giáo dục. Trong những đổi thay ấy, xin đặt hàng đầu hai chữ: Kỷ cương!”.
Ngày mồng 8 Tết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Ông đã thẳng thắn yêu cầu ngành giáo dục “ tăng cường kỷ cương” trước khi bàn về các nhiệm vụ căn cốt của ngành như “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân toàn cầu” hay “phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý… theo hướng người thầy phải giáo dục toàn diện cho học sinh”.
Không dừng lại ở đó, Chủ tịch nước nói rằng, đây là những điều đã được các nhà khoa học và truyền thông nhắc tới nhiều lần nhưng vẫn “cần nhắc đi nhắc lại để người làm giáo dục thấm hơn và có trách nhiệm hơn”.
Các sự việc của 2 cô hiệu trưởng ở Thủ đô trong những ngày gần cho thấy lời nhắn nhủ về “kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” không phải là thừa.
Một nữ sinh lớp 12 bị bỏng nặng trong giờ thực hành môn Hoá. Chuyện xảy gần 1 tháng, nhưng chỉ bùng lên khi học trò cảm nhận được sự thiếu công bằng trong thái độ đối xử của những người lớn liên quan. Thay vì giải quyết sự việc cho thấu đáo, cô hiệu trưởng lại có những động thái chưa thuận lòng người.
Một học sinh lớp 2 bị gãy chân ở trường. Phụ huynh đề nghị nhà trường tìm hiểu nguyên nhân để tìm phác đồ điều trị phù hợp. Gia đình cũng yêu cầu xác minh nghi vấn chính xe ô tô chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đã va chạm vào cháu. Hết lần này tới lần khác, cô hiệu trưởng khiến công luận bất ngờ khi “trả kết quả" với nhiều thông tin khác nhau.
Có một điểm chung ở hai câu chuyện trên ở chỗ, trong khi những người đứng đầu cố gắng né tránh thì về phía các gia đình, họ đã kiên nhẫn giao tiếp bằng thái độ ôn hoà. Mọi việc chỉ bị đẩy đi "lời qua, tiếng lại" khi các cô hiệu trưởng lảng tránh trách nhiệm của mình.
Những tai nạn như gãy chân, bỏng nặng là điều không ai mong muốn. Nhưng khi sự việc đã xảy ra, sự lảng tránh của các cô hiệu trưởng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Thừa nhận sai lầm khó đến vậy sao?
Hai vị hiệu trưởng trên chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”; không phải số đông, nhưng họ đã có mặt đây đó trong môi trường giáo dục. Phải chăng, đây là hệ quả của câu chuyện mải chạy theo thành tích, chỉ có thắng chứ không có thua, chỉ có thành tích chứ không có sai bại; nặng dạy chữ, nhẹ dạy người?
Thật may mắn, trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, ngành giáo dục đã tuyên bố xác định “chân dung” người công dân mới. Có thể nói vắn tắt trong mấy từ giản dị: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm.
Tạm quên đi những chuyện buồn, tôi vẫn tin rằng ngành giáo dục sẽ có những chuyển động quan trọng sau khi nghiêm túc thấm vào hai chữ Kỷ cương.
Chẳng có gì phải bàn cãi: “Kỷ cương là chìa khóa cho đổi mới giáo dục. Từ kỷ cương sẽ chọn được người liêm chính, có tâm, có tài đứng mũi chịu sào từ bộ đến các trường. Từ kỷ cương sẽ chọn được thầy giỏi, trò hay, đưa giáo dục vượt lên.
Kỷ cương sẽ làm xã hội an lòng, các nguồn lực được tập trung, mỗi ngành nghề, mỗi cơ sở đào tạo sẽ tự biết cách phát huy thế mạnh của mình để có chỗ đứng trong xã hội. Nhà trường có kỷ cương sẽ góp phần cho xã hội thêm nền nếp, thế hệ tương lai có niềm tin và biết mình phải làm gì cho xứng với kỳ vọng cha anh”.
Những lời chốt đó trong bài viết của đồng nghiệp, một tổng biên tập – cũng là thầy giáo cũ của tôi ở trường đại học - chính là tiếng lòng của số đông trong xã hội gửi tới ngành giáo dục.
Tác giả bài viết: Hạ Anh
Nguồn tin: