Thể thao

HAGL, nơi bạo lực sân cỏ không chốn dung thân

Bầu Đức từng nói: "Đứa nào đá xấu, đá láo bác đuổi ngay". Nhờ thế mới có HAGL ngày nay, một đội bóng nói không với bạo lực.

Năm 2014, ông Đức thẳng cánh tống cổ một trung vệ khỏi U19 Việt Nam. Đó là Hoàng Văn Khánh, cầu thủ SLNA, sau một pha vào bóng khiến đối thủ Tottenham chấn thương rất nặng.

Lúc đó, nhiều người nói bầu Đức ác cảm với lò Sông Lam (cái ác cảm có từ thời sơ khai V.League, khi “dream team” của ông cứ đến sân Vinh là bầm dập). Nhưng thực tế, ông chỉ ác cảm với những hành vi bạo lực.

Quế Ngọc Hải giấu nước mắt khi nói về sai lầm Chiều 21/9, Quế Ngọc Hải chia sẻ tâm sự trĩu nặng trong buổi phỏng vấn với Zing.vn. Anh cố gắng không bật khóc khi nghĩ về chấn thương của Anh Khoa.

Sau cú sốc điếng người ấy, Văn Khánh mất 2 năm vật vã cứu vớt sự nghiệp của mình, mà cách duy nhất là trở thành một hậu vệ có lối đá hiền từ. Mới đây, anh đã được gọi lại U23 Việt Nam với một tương lai rộng mở. Anh không trách bầu Đức, ngược lại, còn tự nhủ sự nghiệt ngã của bầu Đức chính là bước ngoặt của đời anh.

Công Phượng ở lò đào tạo HAGL được đi chân trần chơi bóng và khuyến khích phát triển sự hồn nhiên. Ảnh: Quốc Bảo.

Với lứa cầu thủ gà nòi HAGL, họ được dạy những bước đầu tiên với đôi chân trần, để tìm thấy tình yêu quả bóng chứ không phải thắng trận đấu bằng mọi giá. Đó là sự khác biệt rất lớn về mục tiêu so với nhiều trung tâm đào tạo trẻ từng nổi tiếng hơn, có truyền thống hơn HAGL.

Lấy Công Phượng làm ví dụ. Phượng đi tuyển sinh ở Sông Lam bị loại không thương tiếc vì thể hình nhỏ bé, không giàu sức chiến đấu, nhưng lên HAGL thì anh lại được nhận khi các tuyển trạch viên phát hiện ra đôi chân năng khiếu.

Từ sự khác biệt ấy, học viện Hàm Rồng “xuất xưởng” ra những thành phẩm có khuynh hướng “một chiều”, tức là chỉ biết chơi kỹ thuật và cống hiến, cư xử ôn hoà, đúng luật…

Điều răn của bầu Đức như một mệnh lệnh thấm vào máu của những đứa trẻ lớn lên từ phố núi. Ông có thể hài lòng bởi từ ngày đưa quân “hạ sơn”, chưa có một cầu thủ HAGL nào dính án kỷ luật vì những lỗi vốn dĩ rất phổ biến như đánh người, lăng mạ trọng tài.

Công Phượng một trận đấu không thể đếm xuể bao nhiêu lần bị phạm lỗi. Nhẹ thì kéo áo, túm tay, nặng thì đá sau xoạc trước, cá biệt có lúc tím môi, sưng mắt vì bị thúc cùi chỏ hay… vung tay trúng má. Nhưng Phượng đã được rèn luyện để ngã xuống lại tự đứng lên, không phản ứng, không trả đũa.

Các đồng đội của anh cũng thế. Nó tạo ra một thứ văn hoá kiềm chế trên sân cỏ, thứ rất hiếm gặp ở lứa tuổi U23.

Đôi khi, sau những thất bại, quân HAGL bị chỉ trích là thiếu thực dụng, không biết chơi tiểu xảo đã đành mà ngay cả tự vệ bản thân cũng vô cùng non nớt. Quả thực, những giáo án được bầu Đức và thầy Giôm thông qua không có danh mục nào dạy quân của họ câu giờ, gây sức ép trọng tài hay dằn mặt đối thủ.

HAGL có thiệt thòi không? Có. Họ thua những trận đáng tiếc vì thiếu lì lợm. Họ dính những chấn thương nguy hại vì đá quá chân phương. Lúc này, Tuấn Anh vẫn còn chưa hồi phục, còn Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy… tất cả đều đã từng phải đi bệnh viện.

Ngoài sự ủng hộ về tinh thần, HAGL còn nhận được nhiều hợp đồng tài trợ. Đó là cái giá của sự tử tế. Ảnh: Quốc Bảo.

Nhưng đổi lại, họ được gì? Đó là tình yêu vô điều kiện của người hâm mộ chân chính, những người vẫn luôn coi HAGL là vẻ đẹp đơn độc của bóng đá nội. Đó là những khoản tiền tài trợ đáng mơ ước, mà hợp đồng 50 tỷ vừa ký vào đúng thời điểm bầu Đức khó khăn cho thấy sự tử tế không bao giờ bị quay lưng.

Chỉ tiếc một điều, cái đẹp, cái tử tế vẫn chưa phải là mô hình được nhân rộng ở Việt Nam. HAGL lắm lúc trở nên lạc lõng giữa dòng chảy V.League đầy khốc liệt và bụi bặm. Như một cánh chim ngược gió…

Bầu Đức ghét cay ghét đắng bạo lực và những cầu thủ có lối chơi bạo lực. Nhưng ông, thật ngạc nhiên, lại đứng ra hỗ trợ Quế Ngọc Hải một khoản tiền lớn (400 triệu) để cầu thủ SLNA có thể trang trải chi phí điều trị cho Anh Khoa.

Tác giả bài viết: Quốc Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP