Chị Vân chia sẻ, cách đây hơn một năm, gia đình chị đi du lịch miền Tây. Trong chuyến đi đó, chị được thưởng thức các món ăn nấu từ bèo tây, như lẩu cá rô phi bèo tây, hoa bèo xào thịt bò, hay đơn giản như thịt ba chỉ xào bèo tây,...
"Mới ăn, mọi người cứ trầm trồ khen ngon, không biết rau gì mà vị ngọt thơm, cảm giác mát mát, sau hỏi hướng dẫn viên du lịch thì chúng tôi rất bất ngờ khi các món ăn đó đều được nấu cùng với bèo tây, trong miền Tây gọi là lục bình", chị Vân nói. Chị nhớ hồi bé sang nhà hàng xóm chơi, chị vẫn thấy họ vớt bèo tây ở ao về băm nhỏ trộn với cám cho ngan, vịt, lợn ăn mà không thể hình dung loại rau đó lại ngon đến vậy.
Bèo tây trước kia được dùng làm thức ăn cho lợn, gà, ngan vịt thì nay được dân Hà thành tìm kiếm về ăn như một loại rau sạch đặc sản
Giờ thì tháng nào, chị cũng chạy cả trăm kilômét về quê, nhờ người nhà ra những vùng hồ, đầm hay những khu ruộng trũng mà dân bỏ hoang để tìm hái những thân bèo tây non nhất rồi đem về Hà Nội cất tủ lạnh ăn dần. Mỗi lần như vậy, chị lấy hàng bao tải, nhét chật cứng. Hôm nào kiếm được hoa bèo nữa thì cả nhà lại có bữa thịnh soạn.
"Rau này sống trên mặt nước, lại lấy ở những vùng hồ, đầm, ruộng trũng bỏ hoang nên đảm bảo ngon sạch, không lo độc hại. Mà sơ chế rất dễ dàng, chỉ cần cắt khúc ngắn tầm 10cm rồi ngâm qua nước muối pha loãng, sau đó bóp cho ráo nước là có thể đem nấu canh, làm nộm hay xào với thịt, bò, tôm,... kiểu gì cũng ngon", chị Vân chia sẻ.
Cũng có chung sở thích ăn món bèo tây thơm ngon, chị Nguyễn Hải Bình ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, tuần nào nhà chị cũng ăn bèo tây. Hôm thì làm món canh cá nấu bèo tây, hôm khác lại làm món bèo tây xào tép. "Cả nhà như bị nghiện món này", chị chia sẻ.
Bèo tây được ngâm nước mối pha loãng rồi bóp sạch để ráo nước
Tuy nhiên, theo chị Bình, ở những khu vực ngoại thành Hà Nội, bèo tây tràn ngập, cây bèo dài trên nửa mét. Nhưng chị không dám lấy bèo ở đó về ăn vì sợ nguồn nước bị ô nhiễm. Chị thường phải nhờ người ở quê ra đồng kiếm bèo sống trên sông, kênh rạch.
"Lúc đầu, khi nhờ người nhà đi lấy bèo tây về ăn, ai cũng mắt tròn mắt dẹt cười bảo ở đây người ta toàn lấy về băm cho lợn, cho gà, cho ngan vịt chứ chẳng ai ăn bao giờ. Thế mà, nhà tôi thì phải ăn dè từng cọng bèo vì không phải lúc nào cũng có thể nhờ được người nhà lấy hộ và gửi lên Hà Nội cho mình được", chị Bình nói.
Thực tế, bèo tây hay còn gọi là lục bình, bèo Nhật Bản đã được người dân sử dụng để nấu các món ăn giống như một loại rau xanh. Đặc biệt, rất nhiều nhà hàng, quán ăn còn đưa món bèo tây trở thành món đặc sản vùng miền.
Sau khi sơ chế xong, bèo có thể đem xào tôm, thịt bò, nấu canh hay làm nộm
Trao đổi với PV. VietNamNet, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, bèo tây giống như những loại rau khác, có thể làm thực phẩm cho người, cho gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, khi hái bèo tây để chế biến các món ăn thì tránh hái ở những vùng nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi những vùng nước như thế trong nước thường có chứa kim loại nặng, bèo tây lại là loại có tác dụng làm sạch nước. Theo đó, cây bèo sẽ hút kim loại nặng cộng với những chất khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo đó nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.
Do vậy, chỉ nên ăn bèo sống ở những kênh rạch có nguồn nước sạch, hái những đọt bèo non trên mặt nước, khi sơ chế nhớ chú ý rửa thật sạch, ông Thịnh khuyến cáo.
Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,... Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100 g bèo) đắp, bó. |
Tác giả bài viết: Như Băng