Cụ thể, em Phùng Văn Việt và 2 bạn cùng lớp có xích mích trong lúc chơi game online và xảy ra đánh nhau tại trường nhưng không gây hậu quả thương tích. Ban giám hiệu nhà trường đã lập hội đồng kỷ luật và ra quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 em.
Phụ huynh không hề hay biết.
Khi sự việc xảy ra phụ huynh em Phùng Văn Việt không hề được cô giáo chủ nhiệm hay Ban giám hiệu nhà trường mời đến để thông báo và phối hợp giải quyết. Mẹ em Việt chỉ được biết khi “sự đã rồi” (khi con trai bị đuổi học).
“Sau khi con nhà tôi gây ra sự việc tại trường thì tôi không biết gì cả, tôi chỉ nhận được thông tin từ cô giáo chủ nhiệm khi cháu bị đuổi học. Khi nhà trường ra quyết định kỷ luật đuổi học thì tôi mới được biết. Tôi không hề được Ban giám hiệu nhà trường mời đến làm việc để nắm bắt, phối hợp xử lý việc của con tôi. Tôi nghĩ rằng khi nhà trường đã ra quyết định rồi nên có nói gì cũng không thể giải quyết được nữa. Tôi đành phải cho con ở nhà đi làm thêm và chờ hết kỷ luật để xin học lại” – Phụ huynh em Việt chia sẻ với PV.
Một số thầy cô giáo có thâm niên trong việc xử lý những trường hợp học sinh xích mích cho rằng quyết định này là quá nặng nề. Mặc dù các em là học sinh cá biệt nhưng cần có cách giải quyết khéo léo, hợp tình và hợp lý.
Các em đang trong tuổi cần được giáo dục mà đình chỉ học 1 năm thì rất dễ khiến các em sa đà vào nhiều thứ xấu. Hơn nữa, các em chỉ xô xát mà không gây hậu quả thương tích hay tính mạng, sự việc không nghiêm trọng đến mức đuổi học 1 năm.
Lạm dụng quyền hạn, năng lực yếu kém?
Theo thông tin PV nắm được, ngoài việc lập hội đồng kỷ luật và ra quyết định đuổi học mà không có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đồng ý chuyển trường ngay sau đó cho 2 học sinh cùng lớp với em Việt là em Lưu Văn Quân và em Phùng Quang Tuân khi còn đang trong thời gian bị kỷ luật.
Hai em trong diện kỷ luật được chuyển trường đã tốt nghiệp lớp 9 tại trường THCS Chu Phan – Mê Linh. Còn em Việt vẫn đang theo học tại lớp 9B – THCS Phạm Hồng Thái và chưa ra trường.
Cô Nguyễn Thu Phương - Giáo viên chủ nhiệm của 3 em học sinh này và nhiều thầy cô khác trong trường đã xác nhận với PV chỉ có em Việt quay lại vào năm học này.
Ông Phùng Quang Toán – Phó hiệu trưởng trường THCS Chu Phan cũng cho biết trường được giới thiệu 2 em học sinh từ trường THCS Phạm Hồng Thái. Trường tiến hành nhận các em như bình thường theo quy định và các em đã tốt nghiệp.
Thật mâu thuẫn khi ông Phùng Viết Hà – Hiệu trưởng trường THCS Phạm Hồng Thái trả lời với PV rằng: “Sự việc kỷ luật đình chỉ học một em và năm vừa rồi nhận lại, còn 2 em sau đó chuyển sang trường khác là thông tin không chính xác. Đầu tiên nguyện vọng của gia đình là xin chuyển đi trường khác nhưng các em không đi và năm nay các em học lại. Các em vẫn đang học lại, 2 em kia đều học lại. Cả 3 em đều học lại”.
Việc chuyển trường cho học sinh trong diện kỷ luật sang trường khác học có uẩn khúc gì? Có quyền lợi giữa các cá nhân hay không để việc “vượt rào” dễ dàng như vậy?
Theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông. Sau khi thi hành kỉ luật đuổi học 1 năm, nhà trường phải lập đầy đủ hồ sơ, báo cáo ngay lên cơ quan giáo dục cấp trên trực tiếp quản lý là Phòng giáo dục (học sinh cấp 2) và Sở giáo dục (học sinh PTTH) để biết và theo dõi.
Những học sinh sau 1 năm bị đuổi học, nếu có đủ điều kiện về tuổi và muốn học lại thì phải làm đơn xin trường cũ xét cho học lại và phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về sự tiến bộ của bản thân, giấy cam kết của gia đình về việc giáo dục con mình.
Việc cho chuyển trường 2 em học sinh trong diện kỷ luật là việc làm hoàn toàn sai quy định. Vi phạm điều lệ trường Trung học cơ sở được ban hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tác giả bài viết: Công Luân - Cửu Long
Nguồn tin: