Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, đã qua đời vào lúc 16 giờ 25 ngày 9-1-2019 tại nhà riêng.
Lễ viếng GS-TS Nguyễn Ngọc Giao sẽ diễn ra từ 13 giờ ngày 12-1 tại Nhà Tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3).
Lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 12 giờ 30 ngày 14-1. Lễ động quan diễn ra lúc 13 giờ cùng ngày và đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thành phố (quận Thủ Đức).
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao đã hơn 55 năm đứng trên bục giảng và là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong ngành khoa học vật lý. Ông là một nhà giáo tận tâm, một nhà khoa học tài năng, luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao (đứng) trong một lần phát biểu về đề án thu hút nhân tài của TP HCM (Ảnh: Phan Anh |
Ông sinh ngày 17-9-1939 tại Sài Gòn. Thời niên thiếu, ông học Trường Trung học Pétrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong) từ năm 1951-1954.
Tháng 12-1954, ông tập kết ra Bắc. Sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông, ông theo học Khoa Vật lý - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển chọn làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Vật lý lý thuyết, Khoa Vật lý - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1961-1968).
Năm 1972, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và là một trong những người đầu tiên nhận bằng tiến sĩ (PhD) ở Liên Xô, theo mô hình Anh - Mỹ.
Năm 1973-1974, ông được cử sang Moscow làm tiếp thực tập sinh cao cấp tại MGU và sau đó giảng dạy tiếp ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 9-1975, ông được cử về công tác tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn, về sau thành Đại học Tổng hợp TP HCM, vừa giảng dạy vừa làm quản lý.
Năm 1990 ông được bầu làm hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM. Ông được phong học hàm giáo sư năm 1992.
Trong hơn 10 năm (1990-2001), GS-TS Nguyễn Ngọc Giao là ủy viên Hội đồng Tổ chức Các trường đại học khối Pháp ngữ AUPELF-UREF (Conseil d’ Administration - nay là AUF)…
Ông đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học và các hội nghị khoa học.
Do những đóng góp quan trọng và liên tục trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, quản lý khoa học và hoạt động xã hội, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có Huân chương "Cành cọ hàn lâm" của Pháp.
Tác giả: Phan Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động