Trong nước

Gộp Tết tây với Tết ta: Ý tưởng ‘độc đáo’ quá!

Nghe có cô nhà văn trẻ nói đã đến lúc nên bỏ Tết cổ truyền, gộp Tết tây với Tết ta để "hội nhập", "phát triển", để kinh tế không trì trệ... mới thấy xã hội nhiều điều "độc đáo" quá.

Nhà giáo Phạm Toàn: ‘Muốn đất nước phát triển phải bắt đầu cải tạo việc ăn Tết'

Ngày nhỏ, thế hệ 8X như chúng tôi còn nguyên trong ký ức một sự thèm thuồng mê mệt ngày Tết đến. Và tất nhiên, Tết Dương lịch (Tết tây) cũng chỉ là một khái niệm thoáng qua. Chẳng có bà nội trợ nào lo sắm Tết tây, chẳng có cha mẹ nào xắm nắm đổi tiền mới để mừng tuổi trẻ con vào dịp Tết tây, lại càng không có đứa trẻ con nào đòi may quần áo mới vì Tết tây được nghỉ có 1 ngày. Cũng bởi Tết tây là... Tết của người... tây chứ chẳng phải của mình.

Dịp Tết đến xuân về, ở quê tôi cứ từ độ 20 tháng 12 âm lịch là khắp xóm, khắp làng cùng chuẩn bị cho ngày “chạp họ”. Ấy là ngày do dòng họ quy định để anh em trong cùng dòng họ có cơ hội ngồi lại gần nhau sau một năm làm lụng vất vả, cùng nâng chén rượu vơi đầy với những câu chuyện buồn vui năm cũ và luận bàn kế hoạch lớn của năm mới.

Cũng thành thông lệ chẳng ai bảo ai, sau ngày chạp họ, mỗi ngày sau đều được mặc định thêm một từ “Tết”, kiểu như: ngày 21 Tết, ngày 22 Tết, ngày 23 Tết... cho đến ngày mùng 10 Tết (tính đến ngày mùng 10 tháng giêng của năm sau).


Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Thế rồi sau ngày chạp họ, khoảng chừng 26 Tết hoặc 27 Tết, cứ 4-5 gia đình cùng có kế hoạch mổ chung một con lợn tự nuôi từ đầu năm (được gọi là “ăn đụng”). Tức là, anh em trong cùng một nhà, hoặc bạn bè thân thích, có thể là hàng xóm với nhau cùng nhắm sẵn một con lợn hơi chừng non tạ thịt để giết mổ và chia phần. Mỗi bộ phận trong con lợn được chia đều cho “chân đụng” – tức là các đầu gia đình.

Trẻ con háo hức chờ bố đi chia thịt lợn đụng mang về. Một bữa ăn tươi sốt, phần thịt ngon nhất để gói bánh chưng và soạn mâm cỗ cúng Tất niên, những phần thịt còn lại trong suất của gia đình được chia đều rồi đem nấu đông, áp chảo (rán), đem treo cao hoặc cất trong chạn gỗ có lưới đóng kín, tránh côn trùng, vật nuôi trong nhà nhòm ngó... Bằng ấy thịt cũng chừng mười mấy hai chục cân để ăn dần, đủ trong 3 -5 ngày đầu năm mới.

Ngày xưa ấy, đời sống người dân quê như chúng tôi còn khó khăn nên chưa có tủ lạnh như bây giờ. Thành thử, thịt ăn ngày Tết đều được đem chao qua chảo lửa nóng mới để cả tuần, không ôi thiu, hỏng được.

Tết Nguyên đán bây giờ, dẫu có những đổi thay bởi cuộc sống tiện nghi nhiều phần nhưng vẫn chạp họ, vẫn "ăn đụng" thịt lợn sạch, vẫn may quần áo mới cho trẻ con, bọn trẻ con cũng nguyên niềm háo hức chờ lì xì...

Tết Nguyên đán – chỉ nghe thôi đã thấy đủ điều thiêng liêng, ấm áp, nghĩa tình. Người đi xa mong ngày Tết để được trở về, người ở nhà mong Tết để đón những yêu thương, lấp đầy khoảng trống của một năm vắng bóng các thành viên trong gia đình. Ngày Tết đến, ai đi xa cũng muốn về gần, lâng lâng trong niềm vui sum họp đầm ấm.

Đã bao lâu nay, người Việt Nam quen với việc đón giao thừa vào ngày 30 (hoặc ngày 29) Tết (tháng 12 âm lịch) hàng năm như thế. Bữa cơm tất niên được sửa soạn chu đáo, cẩn thận với tất cả sự trân trọng thiêng liêng để tiễn đi những nỗi buồn năm cũ, cảm tạ điều bình an đã đến và mong một năm mới nhiều may mắn hơn.

Đã bao lâu nay, trẻ con háo hức mặc quần áo mới, hân hoan được mừng tuổi mới. Cũng bao lâu nay, hương trầm, bánh chưng xanh vị quê nhà lan tỏa thời khắc giao thừa thiêng liêng năm cũ - năm mới. Bao lâu nay, người Việt Nam sống với ý niệm “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”...

Tết Nguyên đán – Tết cả, Tết cổ truyền, Tết âm lịch, không phải chỉ là một ngày lễ để nghỉ ngơi thông thường mà nó còn là ngày để mỗi người tìm về với gia đình, dành thời gian cho những người thân yêu sau một năm nhọc nhằn với cuộc sống mưu sinh.

Ngày Tết Nguyên đán là lúc để lòng thư thái, những lỗi lầm bỗng hóa hư vô, muộn phiền tan biến hết, cáu giận cũng trở nên lạc lõng giữa thời khắc chuyển giao thiêng liêng...

Bởi “Tết mà”! Vì Tết mà dễ dàng tha thứ, vì Tết mà dễ dàng bỏ qua, vì Tết mà hạnh phúc được nhân lên, những khoảng trống được lấp đầy, nhỏ nhen ích kỷ nhường chỗ cho yêu thương đọng lại!

Bởi "Tết mà", nên nụ cười thường trực trên môi, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Những món ăn ngon nhất được nàng dâu mới chờ đợi dịp Tết để trổ tài, những chiếc áo đẹp nhất chờ ngày Tết để “bung lụa”, điều gì tốt đẹp nhất – người Việt Nam cũng muốn dành cho ngày Tết Nguyên đán. Cũng vì Tết là thời điểm khởi đầu cho một năm mới - những cái đầu tiên được chau chuốt thì cả năm sẽ suôn sẻ, thuận lợi.

Tập quán đón Tết âm lịch từ ngàn năm nay đến bây giờ vẫn thế, dẫu đói nghèo hay cuộc sống phát triển hôm nay có đổi thay ít nhiều thì ngày Tết Nguyên đán cũng đã mặc định bao điều tốt đẹp nhất.

Mà nay, nghe có cô nhà văn trẻ nói đã đến lúc nên bỏ Tết cổ truyền, nên gộp Tết tây với Tết ta để "hội nhập", "phát triển", để kinh tế không trì trệ... mới thấy xã hội nhiều điều "độc đáo", lạ quá! Gộp Tết tây vào với Tết ta, liệu sâm panh có thể hòa quyện với bánh chưng, bánh tét? Liệu cái văn hóa, tập quán ngàn năm có dễ dàng đổi thay đến vậy?

Dư luận xã hội nhiều ý kiến rần rần phản bác ý tưởng gộp Tết tây với Tết ta... Tất nhiên là có cơ sở, bởi một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống, tập quán ngàn đời của người Việt gói gọn trong cụm từ "Tết Nguyên đán". Điều đó đâu dễ dàng thay đổi? Nói gộp vào, có phải là người đó đang quay lưng lại với truyền thống, văn hóa, tập quán hay không?

Người trẻ có quyền sáng tạo, tự do theo cách của mình. Nhưng ngày Tết thì hãy nhìn vào ánh mắt mong ngóng của mẹ cha để có động lực trở về.

Người ta bảo đường về nhà là con đường xa nhất. Con đường xa không vì khoảng cách địa lý mà bởi những cuộc hội họp quan trọng, những kế hoạch picnic, sự quyến rũ của buổi party bên bè bạn...

Mùa xuân đến, lòng người hướng về tổ tiên. Hãy bớt đi những suy nghĩ hồn nhiên để về nhà đón Tết, bởi gia đình là trên hết. Và, gộp Tết tây với Tết ta thực sự xa lạ với văn hóa ngàn đời.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tác giả bài viết: Mai Ngọc Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP