|
Về cơ bản, Google Maps dựa trên đánh giá tình trạng giao thông và đề xuất tuyến đường nhanh hơn dựa trên hai loại thông tin khác nhau bao gồm dữ liệu lịch sử về thời gian trung bình cần để đi một đoạn đường vào những thời điểm cụ thể trong ngày cũng như dữ liệu thời gian thực được gửi bởi cảm biến và smartphone báo cáo về tốc độ ô tô đang chuyển động ngay lúc đó.
Các phiên bản đầu tiên của Google Maps chỉ dựa vào dữ liệu từ các cảm biến giao thông, với hầu hết trong số đó được thiết lập bởi các cơ quan giao thông vận tải chính phủ hoặc các công ty tư nhân chuyên biên soạn dữ liệu giao thông. Sử dụng công nghệ radar, hồng ngoại chủ động hoặc laser, các cảm biến có thể phát hiện lượng và tốc độ của các phương tiện đang đi qua, sau đó truyền không dây thông tin đến máy chủ.
Dữ liệu từ các cảm biến này có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cập nhật về lưu lượng xe trên đường theo thời gian thực và sau khi được thu thập, thông tin sẽ trở thành một phần của nhóm dữ liệu lịch sử được sử dụng để dự đoán lưu lượng xe vào các ngày trong tương lai. Tuy nhiên, dữ liệu cảm biến phần lớn bị giới hạn ở đường cao tốc và đường chính vì cảm biến thường chỉ được lắp đặt trên các tuyến đường đông đúc nhất hoặc có nhiều xe cộ lưu thông nhất.
Người dùng smartphone đang giúp đỡ nhau khi gửi dữ liệu đến ứng dụng Google Map |
Kể từ năm 2009, Google đã chuyển sang nguồn cung ứng cộng đồng để cải thiện độ chính xác của các dự đoán lưu lượng truy cập của mình. Khi người dùng điện thoại Android bật ứng dụng Google Maps với vị trí GPS được bật, điện thoại sẽ gửi lại các bit dữ liệu ẩn danh cho Google để công ty biết xe của họ đang di chuyển nhanh như thế nào. Google Maps liên tục kết hợp dữ liệu đến từ tất cả các ô tô trên đường và gửi dữ liệu đó trở lại bằng các đường màu trên các lớp bản đồ giao thông.
Khi ngày càng có nhiều tài xế sử dụng ứng dụng này, các dự đoán giao thông trở nên đáng tin cậy hơn vì Google Maps có thể xem xét tốc độ trung bình của những chiếc ô tô đi trên cùng một tuyến đường mà không nhầm lẫn ách tắc giao thông do dữ liệu của một ai đó đang… ngồi café dọc đường. Nếu Google Maps không có đủ dữ liệu để ước tính lưu lượng giao thông cho một đoạn đường cụ thể, đoạn đó sẽ xuất hiện với màu xám trên lớp giao thông.
Sau khi mua lại Waze vào năm 2013, Google đã thêm yếu tố con người vào các tính toán lưu lượng xe của họ. Người lái xe sử dụng ứng dụng Waze để báo cáo các sự cố giao thông bao gồm tai nạn, xe bị hỏng, đoạn đường cần giảm tốc độ và thậm chí cả camera bắn tốc độ. Các báo cáo thời gian thực này xuất hiện dưới dạng các điểm riêng lẻ trên Google Maps, với các biểu tượng nhỏ đại diện cho những thứ như biển báo xây dựng, xe bị hỏng hoặc camera bắn tốc độ.
Tác giả: Thái An
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn