Ảnh minh hoạ |
Mô hình phù hợp với Đà Nẵng
Từ ngày 1/7/2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14. Theo đó, thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; ở 6 quận và 45 phường chỉ có UBND, không tổ chức HĐND quận, phường.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, cho biết việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã giúp thành phố tiết kiệm được ngân sách do bộ máy tinh gọn, giảm số người hưởng lương từ ngân sách và chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy. Bên cạnh đó, UBND quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng đã phát huy tính chủ động trong hoạt động điều hành của chính quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường.
Đồng thời, việc phân cấp, ủy quyền tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch phường thực hiện ký chứng thực đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ công việc; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được thời gian của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán nên giai đoạn đầu lúng túng trong quá trình thực hiện, thiếu tính chủ động trong dự toán, quyết định ngân sách.
Với vướng mắc này, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quy định cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách để xử lý những vấn đề phát sinh đột xuất trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa...
Cũng theo ông Võ Ngọc Đồng, mô hình chính quyền đô thị chưa thống nhất chế độ quản lý công vụ đối với cán bộ phường như công chức phường để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống chính trị ở phường, cũng như trong công tác cán bộ giữa quận - phường và ngược lại.
Chế độ, chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức thành phố chưa tương xứng với mặt bằng thu nhập, tính chất và khối lượng công việc đảm nhận. Thành phố đang đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, khắc phục vấn đề này để thống nhất chung về chế độ công vụ đối với cán bộ tại phường. Đồng thời kiến nghị Trung ương cho thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù tăng thu nhập cán bộ, công chức, viên chức…
“Đánh giá tổng thể thì mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng có nhiều ưu điểm, phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố đến phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.
Do vậy, sau sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong báo cáo với Quốc hội và Chính phủ, thành phố đã đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình này và đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện thí điểm để tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng phát huy hiệu quả hơn”, ông Đồng nói.
Mới đây, Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo gửi Quốc hội sơ kết việc thực hiện Nghị Quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Theo đó, Chính phủ đã nêu một số kiến nghị để Đà Nẵng thực hiện đồng bộ với TP. HCM, TP. Hà Nội về mô hình chính quyền đô thị trong giai đoạn tới. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố…
Gỡ “điểm nghẽn”
Ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế - HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết từ thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố cho thấy mô hình chính quyền đô thị có nhiều ưu việt, hiệu quả, nổi bật. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đó là quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách.
Thực tế quá trình điều hành trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là xử lý vấn đề thiên tai, sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, chi phát sinh đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn bất khả kháng… nhưng không còn là cấp ngân sách nên không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách ở khu dân cư. Trong khi đó, quá trình xây dựng dự toán chi cho cả năm không thể bao quát hết nhiệm vụ, tình huống phát sinh thực tế.
Mặt khác, UBND quận, phường là đơn vị dự toán thì không còn nguồn dự phòng ngân sách theo Luật Ngân sách để chủ động chi cho công tác phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai… mà phải bị động chờ thời gian dài để thành phố phân bổ kinh phí.
“Đây là vướng mắc, khó khăn lớn mà tất cả các quận, phường phản ánh khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết khi thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị một cấp và không còn tổ chức HĐND cấp quận, phường, HĐND thành phố ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định thì đối tượng giám sát tăng lên rất nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giám sát. Vì vậy, cần tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP. Đà Nẵng theo hướng tăng thêm số lượng Ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố (tối thiểu 2 ủy viên/Ban).
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật TP. Đà Nẵng, cho biết đây không phải lần đầu Đà Nẵng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, lần này, việc thực hiện bài bản hơn, có sự chỉ đạo chặt chẽ hơn của Trung ương so với giai đoạn 2008-2016.
Ông Tiếng cũng cho hay cái khó và bế tắc của mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng đó là về mặt tài chính. Quận, phường từ cấp ngân sách trở thành cấp dự toán trong khi đó Sở Tài chính vẫn chưa có cơ chế, nhất là chưa có nhân lực để có thể vươn cánh tay xuống làm thay cho phần ngân sách đối với các quận, phường.
“Mô hình rất tốt, rất cần nhưng phải nhận diện được “điểm nghẽn” để tháo gỡ, chứ làm đến một thời điểm nào đó thấy không hiệu quả rồi làm lại theo cái chung thì không đâu vào đâu cả”, ông Tiếng nhìn nhận.
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đối với mô hình chính quyền đô thị thì không nên phân cấp mà tập trung về một đầu mối. Các sở phải gánh vác câu chuyện của các phòng, UBND quận chứ không phải vẫn như trước. “Nếu được tháo gỡ, tôi tin mô hình này sẽ tạo điều kiện để phát triển một đô thị hoàn toàn khác với nông thôn”, ông Tiếng nhận định.
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn