|
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào xuất khẩu sản phẩm công nghệ sang Nga đang tạo ra thế khó cho các công ty công nghệ Trung Quốc, từ tập đoàn gọi xe Didi Chuxing cho đến hãng smartphone Xiaomi.
Các công ty Trung Quốc cũng không thể lờ đi các lệnh trừng phạt này, chủ yếu vì làm vậy có thể mang lại rủi ro pháp lý cho hoạt động của họ tại Mỹ và châu Âu. Luật sư Paul Haswell từ hãng luật Seyfarth Shaw cho rằng các công ty Trung Quốc có thể bị phạt tiền tới hàng tỷ USD hoặc nhận các hình phạt khác nếu tiếp tục hoạt động với các thực thể có liên quan tại Nga.
Ông Haswell đã viện dẫn trường hợp CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị quản thúc hơn 1000 ngày sau cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran.
Mặt khác, trong khi các công ty công nghệ phương Tây nhanh chóng hạn chế xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ sang Nga, các công ty Trung Quốc cho đến giờ vẫn tương đối im lặng. Theo lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ, tất cả các sản phẩm công nghệ chế tạo ở nước ngoài nhưng sử dụng máy móc, thiết kế hoặc phần mềm của Mỹ sẽ không được phép xuất khẩu sang Nga. Các công ty Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản đều thông báo tuân thủ lệnh cấm này.
Trong khi đó, tập đoàn máy tính cá nhân lớn nhất thế giới Lenovo lại bị dư luận Trung Quốc phản đối ngay khi có thông tin dừng bán sản phẩm tại Nga cùng với Dell và Intel. Lenovo chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này.
Dù quan điểm chính thức của Trung Quốc là phản đối sử dụng lệnh trừng phạt, hiện thực là những công ty như Huawei - vốn phải chuyển hướng khỏi Mỹ sang một số quốc gia khác - sẽ gặp thêm nhiều thách thức.
Năm ngoái, Huawei đã ký hợp đồng mở dịch vụ 5G tại Nga với nhà mạng lớn nhất Nga là MTS. Huawei cũng hợp tác chuyển đổi số với nhà mạng Rostelecom, mới đây bị Mỹ trừng phạt. Tập đoàn chip hàng đầu Trung Quốc là SMIC thì chưa đưa ra tuyên bố nào.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói về sản phẩm chip bán dẫn, Nga không phải là thị trường quá quan trọng đối với Trung Quốc. Đây là quan điểm của giáo sư Douglas Fuller từ Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU). Theo ông Fuller, kim ngạch nhập khẩu chip trị giá 500 triệu USD của Nga là con số nhỏ bé so với thị trường chip toàn cầu.
Tác giả: Tùng Phong (Theo SCMP)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn