Đan Mạch được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong vài năm gần đây. Bên cạnh những điểm cộng lớn về chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, trách nhiệm chung, quốc gia này nhận thức rõ và đánh giá cao sự thấu cảm hơn hầu hết quốc gia khác.
Theo trang Quartz, nghiên cứu ở Đại học Michigan (Mỹ) trên gần 14.000 sinh viên chỉ ra sự thấu cảm của những người trẻ ở xứ sở cờ hoa đã giảm 40% trong 30 năm qua, trong khi chủ nghĩa tự yêu bản thân không ngừng phát triển.
Thấu cảm là khả năng đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu và cảm thông. Nó giúp trẻ hòa nhập cộng đồng và giảm thiểu nạn bắt nạt ở trường học. Hơn thế, những đứa trẻ được dạy về sự thấu cảm từ sớm thường sẽ thành công hơn trong cuộc sống sau này.
Đó là một phẩm chất “trời sinh” theo quan niệm của mọi người. Trái với niềm tin đó, người Đan Mạch nghĩ sự thấu cảm hoàn toàn có thể được dạy và được học.
Học sinh Đan Mạch mang bánh đến trong một giờ học để cả lớp cùng ăn trong khi trò chuyện. Ảnh: StartupItalia |
Việc xây dựng niềm tin và sự nhạy cảm ở quốc gia Bắc Âu này nằm trong chương trình giáo dục quốc gia, từ khi đứa trẻ lên 6 và tiếp tục đến năm 16 tuổi. Học sinh tham dự giờ học bắt buộc hàng tuần có tên gọi “Klassen Tid”. Đây là cơ hội để các em quây quần bên nhau, chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải trong bối cảnh hoàn toàn thoải mái. Chúng có thể nói về việc bị xa lánh, trêu ghẹo hay một vấn đề gây tranh cãi giữa nhóm bạn. Cả lớp sẽ cùng tìm cách giải quyết, nhờ đó trở nên bao dung lẫn nhau.
Cựu giáo viên Sandahl cho biết “Klassen Tid” luôn là điểm sáng trong tuần của bà. Mục đích của giờ học là tạo bầu không khí an toàn và ấm cúng, thường gọi là “hygge” trong tiếng Đan Mạch, để các vấn đề có cơ hội phơi bày và những đứa trẻ học cách nhìn chúng dưới góc độ rộng lớn hơn.
Theo trang Women, “hygge” là trải nghiệm có mục đích và ý thức mà không thể dịch hoàn hảo ra ngôn ngữ khác. Những giờ học “Klassen Tid” không có chỗ cho bắt nạt, tấn công hay chế nhạo người khác. Là thành viên tham gia giờ học, bạn tôn trọng những giá trị của bạn bè xung quanh mình.
Khi đến ngày có giờ học này, học sinh Đan Mạch mang theo một chiếc bánh đặc biệt mà chúng tự nướng. Đây là thứ không thể thiếu trong thời gian “hygge”, thậm chí còn có công thức riêng để chế biến. Mỗi tuần, một học sinh tình nguyện mang bánh đến để cả lớp cùng thưởng thức trong lúc trò chuyện và lắng nghe người khác. Hành động nướng và chia sẻ chiếc bánh cho mọi người cũng đem lại bài học ý nghĩa, khiến lớp học mang hơi hướng của một gia đình thực thụ.
Truyền thống này bắt nguồn từ những năm 1870, được ghi rõ trong luật giáo dục năm 1993 và mở rộng sau thời điểm đó. Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng được tiếp thêm năng lượng từ giờ học này.
“Bạn có cơ hội nhìn thấy những nỗ lực của mình mang lại kết quả như thế nào khi mọi học sinh đều hào hứng tham gia giờ học. Đó là cách để một cộng đồng phát triển”, Sandahl nói.
“Klassen Tid” thành công khi nhận ra học sinh có thể xây dựng kỹ năng thấu cảm, bởi đó không phải đặc tính bẩm sinh. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể rèn luyện sự thấu cảm theo cách rèn luyện môn Toán hay đá bóng.
Jesper Vang, giáo viên trường trung học cơ sở Tingkærskolen ở thành phố Odense nói: "Điều quan trọng là tất cả mọi người đều được lắng nghe. Công việc của giáo viên là đảm bảo các em hiểu người khác cảm thấy như thế nào, và tại sao họ lại cảm thấy như vậy".
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress