Pháp luật

Giết người rồi trốn lệnh truy nã 26 năm

Sau khi đâm chết người vào năm 1992, Phạm Hộ đã bỏ trốn khỏi địa phương suốt 26 năm, mãi đến năm 2018, Hộ mới bị bắt và chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Sáng 10/4, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm và bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Hộ (SN 1966; trú tại: xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) về tội Giết người. Đồng thời, chấp nhận 1 phần kháng cáo của đại diện gia đình người bị hại, tăng mức bồi thường đối với bị cáo Phạm Hộ.

Giết người rồi trốn lệnh truy nã 26 năm

Bị cáo Phạm Hộ tại phiên tòa xét xử phúc thẩm

Theo bản án sơ thẩm, Phạm Hộ cùng với Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Ngọc Hiền đều quen biết nhau và cùng sinh sống ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Vào chiều ngày 29/7/1992, Phạm Hộ gặp Nguyễn Ngọc Thanh đi làm về nên rủ vào nhà uống rượu, trong lúc uống rượu Hộ rủ Thanh tối đi xem văn nghệ tại sân vận động của xã.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Hộ và Thanh đi qua nhà anh Ngô Văn Sanh (SN 1958; ở gần nhà Hộ) rủ Sanh cùng đi. Trên đường đi Hộ có nói với Thanh là đi tìm anh Hiền để nói chuyện, do 2 bên đã có mâu thuẫn từ trước, Thanh nghe Hộ nói vậy nhưng không có ý kiến gì và đồng ý đi cùng Hộ. Khi đi ngang qua nhà anh Đỗ Ngọc Vân (trú cùng địa phương), Hộ phát hiện trên mái nhà anh Vân có con dao tự chế, Hộ liền lấy và giấu vào thắt lưng quần, khi Hộ lấy con dao thì Thanh và anh Sanh đi trước nên không thấy.

Đến khoảng 20 giờ 30 phút, Hộ và Thanh đi vào sân bãi để xem văn nghệ thì gặp anh Nguyễn Ngọc Hiền nên Hộ gọi anh Hiền ra ngoài để nói chuyện, khi Hộ và anh Hiền đi được 1 đoạn ngắn thì Thanh từ phía sau xông tới, dùng tay chân đánh anh Hiền nhiều cái. Khi Thanh và anh Hiền đánh nhau qua lại thì Hộ đến đứng giữa 2 người để can ngăn. Lúc này bất ngờ có bàn tay đánh trúng vào mặt Hộ, nghĩ anh Hiền đang tấn công lại mình nên Hộ đã rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm vào bụng anh Hiền.

Sau khi gây án xong, Phạm Hộ và Nguyễn Ngọc Thanh cùng nhau bỏ trốn vào khu rừng thuộc thôn Bình Tân, xã Trà Bình. Cả 2 trốn đến khoảng 1 giờ sáng ngày 30/7/1992, Hộ đi về nhà để nắm tình hình sức khỏe của anh Hiền, thì được biết anh Hiền đã tử vong, Hộ vào nhà lấy quần áo và giấy tờ tùy thân rồi bỏ trốn.

Đến trưa ngày 30/7/1992, Phạm Hộ đón xe đi vào tỉnh Khánh Hòa lẩn trốn và đổi tên thành Phạm Ngọc Đồng (SN 1966). Trong khi đó, sau khi nghe tin Phạm Hộ bỏ trốn, sợ bị Công an bắt giữ nên Nguyễn Ngọc Thanh cũng bỏ trốn vào tỉnh Bình Phước và đổi tên thành Huỳnh Trọng Thái.

Ngày 30/7/1992, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Ngãi, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi, Pháp y tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện Trà Bồng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực hiện một số hoạt động điều tra và tổ chức lực lượng truy bắt Phạm Hộ và Nguyễn Ngọc Thanh.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can đối với Phạm Hộ và Nguyễn Ngọc Thanh. Đến ngày 4/8/1992, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với Phạm Văn Hộ và Nguyễn Ngọc Thanh. Do bị can bỏ trốn nên đến ngày 30/11/1992, Công an tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can.

Mãi đến ngày 11/1/2018, Công an tỉnh Quảng Ngãi mới bắt được Phạm Hộ khi đang sinh sống tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; sau khi bị bắt, Phạm Hộ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trong khi đó, sau khi biết tin Phạm Hộ bị bắt, ngày 9/2/2018, Nguyễn Ngọc Thanh đã đến Công an tỉnh Quảng Ngãi đầu thú và khai nhận hành vi của mình.

Với hành vi phạm tội của mình, ngày 3/10/2018, TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm và tuyên phạt cáo Phạm Hộ 17 năm tù; đồng thời buộc bị cáo Phạm Hộ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại số tiền gần 140 triệu đồng.

Đối với hành vi phạm của Nguyễn Ngọc Thanh, Tòa cấp sơ thẩm nhận định: bị cáo Phạm Hộ rủ Thanh đi xem văn nghệ và tìm Nguyễn Ngọc Hiền để nói chuyện giải quyết mâu thuẫn thì Thanh đồng ý. Khi đi, Hộ có mang theo dao lận trong người Thanh hoàn toàn không biết. Khi gặp anh Hiền tại sân bãi và thấy anh Hiền đi đến chỗ Hộ thì Thanh xông vào đánh Hiền. Trong lúc Thanh và Hiền đang đánh nhau thì đánh trúng vào mặt Hộ; nghĩ là Hiền đánh nên Hộ đã đâm vào bụng anh Hiền, làm anh Hiền chết tại chỗ.

Việc Hộ mang theo dao và đâm Hiền, Thanh hoàn toàn không biết; Hộ và Thanh trước đó không có bàn bạc gì về việc đánh Hiền, Hộ chỉ rủ Thanh đi nói chuyện với Hiền chứ không rủ Thanh đi đánh hay giết Hiền. Hộ dùng dao đâm Hiền chết là hành vi thái quá của Hộ nên Hộ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả gây ra.

Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 “Đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” và căn cứ khoản 3 Điều 7 và Điều 230 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Ngọc Thanh về hành vi giết người là có căn cứ.

Cho rằng bản án trên là quá nặng so với tính chất và mức độ phạm tội của mình nên bị cáo Phạm Hộ đã có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, đại diện của người bị hại cho rằng bản án trên đã bỏ lọt tội phạm nên cũng có đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng với nội dung hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại và tăng mức bồi thường cho gia đình bị hại.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Phạm Hộ không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới; đồng thời cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Hộ với mức án 17 năm tù là không nặng so với tính chất và mức độ phạm tội mà bị cáo đã gây ra nên HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Hộ. Đối với kháng cáo của đại diện gia đình người bị hại, HĐXX chấp nhận 1 phần kháng cáo khi tăng mức bồi thường cho gia đình người bị hại.

Tác giả: Minh Quân

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: truy nã , giết người

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP