Giáo dục

Giáo viên, học sinh khốn khổ vì bị bắt mua tài liệu, sách tham khảo, tạp chí…

Điều lạ là những thứ “vô bổ” này lại do chính Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh này “đẻ” ra, ấn xuống các Phòng Giáo dục, các Phòng bổ về các trường học.

LTS: Trong khi lương của giáo viên vẫn còn rất thấp, các thầy cô giáo lại phải đau đầu với muôn vàn khoản mua "tự nguyện" do từ trên "ép" xuống.

Tác giả Sông Trà chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này để hi vọng các cơ quan chức năng vào cuộc sớm để chấn chỉnh việc này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Mấy hôm rồi, báo chí phản ánh về việc nhiều giáo viên ở tỉnh Bắc Giang hằng tháng phải đành lòng chấp nhận trừ lương để nhận về một số tạp chí từ nhà trường, Phòng giáo dục phát xuống.

Không tham gia thì không xong, họ tự nguyện trong tâm thế chẳng khác gì bắt buộc.

Thực tế, các giáo viên cho rằng các tạp chí hỗ trợ cho dạy học không mấy hiệu quả và “cực chẳng đã” mới phải mua về chỉ vì không muốn trở thành cá biệt hay không tham gia phong trào của trường.

Một giáo viên bức xúc: “Chúng tôi không hề đăng ký mà đến tháng, trường tự chia tạp chí cho một số giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ và trừ một khoản tiền vào lương.

Tôi thấy việc này không hợp lý bởi nhu cầu tự tìm hiểu thì tôi nghĩ giờ đây có rất nhiều cách thức, hình thức mà không chỉ có thể qua những tạp chí này.

Chưa kể giáo viên có hẳn sổ tự bồi dưỡng để ghi chép liên quan đến việc bồi dưỡng thường xuyên, nên việc sử dụng các tạp chí này tôi cho không phải là tiêu chí trong việc bồi dưỡng”.

Trước đó, báo Tiền phong, ngày 16/9/2016 có bài “Sở GD&ĐT 'ép' học sinh mua sách tham khảo” đề cập đến nỗi khổ của nhiều học sinh và giáo viên ở tỉnh Quảng Bình bị ép buộc phải mua sách tham khảo, tài liệu, tạp chí của địa phương, trung ương.

sach tham khao
Thầy cô và học sinh bị ép phải mua nhiều tài liệu tạp chí, sách tham khảo. (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh này, đầu năm học 2016-2017, họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua về những thứ “vô bổ” nhưng không thể không mua.



Điều lạ là những thứ “vô bổ” này lại do chính Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh này “đẻ” ra, ấn xuống các Phòng Giáo dục, các Phòng bổ về các trường học.

Và người phải gánh hậu quả của việc này chính là phụ huynh học sinh trong khi hoàn cảnh, điều kiện sống của người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Không chỉ phụ huynh mà ngay cả Ban giám hiệu, thầy cô giáo các trường cũng bức xúc về việc bị “ép” mua sách tham khảo. Nhưng do có “chỉ đạo” của Sở Giáo dục và Đào tạo nên họ phải thực hiện.

Theo nhiều giáo viên, đa số sách tham khảo không phù hợp chương trình giảng dạy.

Nhiều năm nay đội ngũ giáo viên Quảng Bình buộc phải đặt mua một cuốn tạp chí mỗi tháng một số (15.000 đồng/cuốn).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình thừa nhận Sở đã có Công văn số 949 về việc hướng dẫn chuẩn bị sách, tài liệu dạy và học năm học 2016-2017 cấp tiểu học gửi Trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố.

Trong công văn hướng dẫn có mục chưa cụ thể nên đã gây hiểu nhầm, làm cho các trường tiểu học ồ ạt đăng ký mua sách, tài liệu tham khảo.

Sở sẽ có hướng xử lý kịp thời vấn đề này để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho phụ huynh và học sinh trong năm học mới 2016-2017.

Trên đây là hai vụ việc có tính chất tiêu biểu và mới nhất của năm 2016 bị báo chí phản ánh.

Trong thực tế những năm gần đây, tình trạng cấp trên (Bộ, Sở, Phòng Giáo dục) chỉ đạo bằng miệng, bằng văn bản xuống các cơ sở giáo dục để ép buộc hay vận động “tự nguyện” giáo viên và học sinh phải mua tài liệu, sách tham khảo, tạp chí, sách báo… nhiều vô kể.

Có điều, nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh can tâm chịu đựng, không muốn làm lớn chuyện, sợ ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của ngành, của lãnh đạo.

Cũng chính vì sự nể nang, cho qua, thậm chí lấy lòng của cấp dưới nên không ít cấp trên, giới lãnh đạo được đà làm tới, cái gì cũng ép, đẩy xuống cơ sở thực hiện.

Nhiều người đặt câu hỏi: "có hay không chuyện chia chác, lợi ích nhóm ở đây?"

Các nhà cung ứng sản phẩm giáo dục luôn luôn trông mong sản phẩm của mình được tiêu thụ, bán chạy trên thị trường để sớm thu hồi vốn, tái đầu tư, sản xuất.

Muốn được vậy, họ rất chú trọng đến hoạt động quảng bá, tiếp thị, tiếp cận khách hàng.

Đối tượng cấp trên, giới lãnh đạo ngành giáo dục được quan tâm, chăm sóc đặc biệt vì họ hiểu rằng lãnh đạo, cấp trên có tiếng nói, tầm ảnh hưởng lớn đến cấp dưới, đến sự thành - bại chuyện làm ăn.

Cũng có trường hợp, cấp trên giúp họ vì tình nghĩa, quen biết, quan hệ thế nọ, thế kia.

Nhưng phần nhiều là xuất phát từ lợi ích, tỉ lệ hoa hồng, chia chác bạc tiền với nhau.

Chúng tôi gợi mở, chỉ đạo, ban hành văn bản, các trường phải hoặc “tự nguyện” mua sắm các loại thiết bị, tài liệu, sách vở… theo hướng có lợi nhất cho bên bán.

Càng bán được nhiều, tỉ lệ phần trăm hoa hồng, tiền bạc của cấp trên, giới lãnh đạo, các bộ phận liên quan trực tiếp càng nhiều.

Lợi ích thiết thực, béo bở như thế, quan chức, lãnh đạo giáo dục nào không tận dụng, khai thác triệt để?

Nếu bị cấp dưới, giáo viên, phụ huynh học sinh phản ứng, tố cáo thì cấp trên cũng có ngay những “ bài” đối phó, nào do nhầm lẫn của bộ phận tham mưu, nào do người đánh máy… mới nghe qua thấy có lý. Nhưng sự thực không hẳn như vậy.

Nói thật, có nhiều vị lãnh đạo giáo dục thời nay rất thích “vẽ ra” và ủng hộ những cái mới, dự án mới, chương trình mới, thiết bị, sách giáo khoa mới… để có nhiều nhà cung cấp sản phẩm cầu cạnh đến mình.

Có người trong cuộc từng thổ lộ: “Các sản phẩm giáo dục bây giờ có lợi nhuận, chiết khấu, hoa hồng cao lắm. Lộn xộn việc mua bán nơi trường học cũng tại cái “lợi nhuận” mà ra cả.”

Không còn cảnh bức xúc về mua bán thiết bị, tài liệu, sách tham khảo, tạp chí… theo kiểu ép buộc, trừ lương, “tự nguyện” nơi trường lớp phụ thuộc nhiều vào hiểu biết và tinh thần đấu tranh của nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh.

Nhà trường, giáo viên, học sinh hoàn toàn có quyền từ chối không mua, không tiếp nhận những sản phẩm mà bản thân họ không có kế hoạch, không có nhu cầu.

Các cơ quan chức năng ở địa phương, Trung ương qua phản ánh của cơ sở, giáo viên, phụ huynh và báo chí cần sớm vào cuộc có ngay biện pháp chỉnh đốn, xử lý nghiêm các cấp quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Phòng Giáo dục) chỉ đạo, ban hành những văn bản để mua bán các sản phẩm giáo dục nằm ngoài chủ trương, kế hoạch chung hoặc mang tính chất ép buộc đối với các đơn vị nhà trường, giáo viên và học sinh.

Tác giả bài viết: Sông Trà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP