Gần đây, câu chuyện học thêm, dạy thêm lại trở nên nóng hơn khi ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiêm cấm các trường và giáo viên tổ chức “chiếm thời gian” của học sinh.
Điều này đã rõ ràng như ban ngày, nhưng vẫn còn đó sự phản ứng trái chiều của một bộ phận dư luận, do họ bỗng dưng đồng cảm với những giọt nước mắt của các hiệu trưởng trên địa bàn TP, hay vì họ quên… thời còn đi học?
Cách đây hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ như in cảm giác đi học tiểu học mặc cảm ra sao. Vì nhà không có điều kiện, gia đình tôi thường nói “Không” với các chương trình học thêm mà giáo viên chủ nhiệm đề ra. Cũng vì thế mà tôi không thể quên, toàn bộ học sinh lớp 2 khi đó đều đạt học sinh giỏi, trừ 5 đứa tiên tiến đều là những… học sinh không đi học thêm, trong đó có tôi.
Nói vậy thôi có lẽ chưa đủ thuyết phục, nhưng tới năm lớp 4, khi sự nhận thức của một đứa trẻ được mở rộng hơn, tôi lại càng thấy rõ mặt trái của việc dạy thêm, học thêm.
Chương trình chính khóa có vấn đề gì khiến các giáo viên phải nghĩ tới việc... dạy thêm??? Ảnh: Thanh niên
Học kỳ 1 năm lớp 4, tôi trở thành gương mặt hiếm hoi không đi học thêm mà đạt học sinh giỏi. Nhưng đó là một sự phấn đấu rất cực nhọc, vì trong chương trình chính khóa, những gì được dạy khá nhanh chóng, thậm chí có những nội dung Toán học gần như phải tự học tự biết đối với học sinh không đi học thêm. Bởi ở lớp phụ đạo, cô giáo đã nhiệt tình dạy kỹ lưỡng trước rồi. Nếu không có phụ huynh kèm cặp, có lẽ tôi và các bạn học không tới lớp học thêm sẽ chẳng bao giờ hiểu tại sao những phép toán nhân chia phức tạp lại có quy luật như thế…
Rồi một kỷ niệm khó quên cũng tới ở học kỳ 2 năm lớp 4. Đó là khi phải làm một bài kiểm tra môn Toán của cô chủ nhiệm trên lớp. Trong các bài được giao, có một phép toán chia mà chúng tôi chưa được dạy trên lớp chính khóa, còn ở lớp học thêm thì các bạn đã được làm quen từ trước rồi. Loay hoay mãi không thể biết cách làm, suy nghĩ non nớt của một học sinh lớp 4 khi đó đã khiến tôi viết nắn nót vào bài kiểm tra rằng: “Phép toán này em chưa được học nên không biết làm!”
Tôi vẫn nhớ phản ứng có phần hài hước của cô giáo chủ nhiệm khi ấy, vì cô chỉ bảo xét theo lý thì tôi đúng, nhưng không có một lời xin lỗi hay động thái “chấm công bằng” nào được thực hiện. Tất nhiên, sau đó, mọi người sẽ hiểu số phận của một đứa học sinh “dám” nêu ra sự thật trong bài kiểm tra đó như thế nào…
Lên cấp 2, tình hình không những chẳng được cải thiện, mà còn tệ hại hơn nhiều. Vừa bước vào lớp 6, chúng tôi đã lao đao cực độ vì tất cả điểm môn Văn bị chấm… thấp gần mức đáy! Ai cao nhất thì được 6 (cả lớp chỉ có một bạn được vậy), một vài bạn “ưu tú” được 5, còn lại cả lớp là 2, 3 và 4.
Chúng tôi bỗng nhiên cảm thấy mình là những học sinh ngu dốt Văn ghê gớm, dù có cố gắng thế nào cũng bị cô giáo chê bai tơi bời… Cho tới khi sang học kỳ 2, với lý do khả năng học Văn của lớp quá tệ, cô mở lớp học thêm, và lập tức mọi sự thay đổi 180 độ…
Khi đó, cũng đã có những quy định “siết” việc dạy thêm, học thêm, nhưng các giáo viên tìm ra cách lách luật rất dễ dàng: Bắt học sinh chúng tôi viết đơn đề nghị theo… mẫu được đưa ra để về cho cha mẹ ký. Đại ý là “phụ huynh chúng tôi tha thiết mong thầy/cô dạy dỗ, mở lớp học thêm” và “nếu có vấn đề gì, phụ huynh xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Mang về, bố mẹ ký vào đấy, có đơn thì học sinh mới… được đi học thêm.
Thật buồn, khi mảng quá khứ học đường kém vui ấy xảy ra từ cách đây hơn 20 năm, giờ vẫn không có nhiều thay đổi, khi tôi đi làm báo và tiếp xúc với rất nhiều câu chuyện tương tự quá khứ của mình.
Có những giáo viên thực tài thu hút các học sinh xa lạ tới "lò" dạy thêm của mình, mà không cần phải dùng áp lực kết quả học tập hằng ngày. Ảnh: ZDN
Ai làm “nghề nhà nước” cũng thường tính tới chuyện làm thêm, vì thu nhập không đủ sống, đây không phải là điều quá xa lạ! Nhưng làm thêm thì cũng có nhiều cách, chứ nếu cố gắng biến những tâm hồn non nớt hiểu rằng chỉ có đặt chân tới lớp học thêm, chúng mới có kết quả học tập tốt, thì chắc chắn đó là một cách làm rất… mất nhân cách. Có những giáo viên vẫn đang chọn cách này cho tới ngày nay, và tin tôi đi, hãy nhìn vào ánh mắt các học trò của họ, chúng ta sẽ thấy rất khó tìm ra sự tôn trọng trong đó.
Nếu có thực tài, chắc chắn người giáo viên sẽ biết cách lôi kéo học sinh ở khắp nơi tới “bái sư” để bổ sung kiến thức. Chứ họ không kiếm thêm bằng việc dùng vai trò của mình trên lớp để kéo… các học sinh mà họ cho điểm hằng ngày tới lớp học thêm của mình.
Đã có không ít lời kêu gọi tôn trọng quỹ thời gian tuổi thơ của các em, để các em được sống, được vui chơi đúng với lứa tuổi. Vậy nên, xin đừng xà xẻo nó chỉ vì mục đích riêng của ai đó nữa!
Giáo viên còn dạy thêm, phụ huynh và các em học sinh sẽ còn “nếm” đủ - những mùi vị không mấy êm ái theo họ suốt cuộc đời.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tác giả bài viết: Trung Hiếu