Những ngày cuối tháng 8, khắp nơi học sinh đang rộn ràng chuẩn bị áo quần đẹp, cặp sách mới để đến trường thì các thầy, cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) phải gồng mình đi "săn" học trò. Phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân các giáo viên vào tận các bản làng của tộc người Mã Liềng mới biết rằng nghiệp "gieo" chữ lắm chuyện bi hài, vất vã.
"Thầy gì mà lỳ!"
Sắp đến ngày tựu trường, các thầy cô ở xã miền núi Lâm Hóa lại chia nhau về các bản làng của người Mã Liềng để vận động các học trò của mình ra lớp học. Trong 3 bản của người Mã Liềng, gồm: bản Kè, Cáo, Chuối thì bản Kè là xa trung tâm nhất, nhưng lại đông nhân khẩu nhất và cũng "cứng đầu" nhất.
Theo chân các thầy giáo vào bản Kè lúc chiều muộn bởi theo họ đây là thời điểm dễ gặp phụ huynh và trời tối học trò cũng khó trốn vào rừng. Gần bản, chúng tôi phải tắt xe máy để "cuốc" bộ thêm một con suối tiến vào được bản.
Thầy Dương vào bản nói chuyện với học trò người Mã Liềng |
Thầy Trần Văn Dương, dạy cấp 2 và là một trong những giáo viên "cắm" bản thâm niên, nói bản Kè lưng tựa vào núi nên khi nghe tiếng xe máy vang vọng lại, biết thầy cô đến là các học trò đã trốn vào rừng. Mỗi lần vào bản phải có trưởng bản hoặc cán bộ xã đi cùng mới "được việc".
Vốn đã quen thuộc từng ngõ ngách, từng nhà của trò, thầy Dương dẫn chúng tôi đi quanh bản vào thăm hỏi từng phụ huynh và không quên căn dặn các cháu tuần sau phải đến lớp, các học trò ai cũng "ầm ừ" cho qua, một số em thì đang còn trong rẫy chưa về.
Thầy Dương nói vậy là thành công rồi, mấy năm trước có khi các thầy phải bới cơm, đùm gạo băng rừng vào tận rẫy của bà con để vận động con em ra lớp. Rẫy người Mã Liềng cách bản khoảng 2 ngọn núi, sâu hun hút trong dãy Giăng Màn. Nếu các bậc phụ huynh "hợp tác" còn khỏe, chứ không thì còn vất vã.
Thầy Hoàng Ngọc Lâm, công tác ở trường đã hơn chục năm, nói có những trường hợp các thầy phải đi 5 - 7 lần mà không được. Năm ngoái, thầy vào bản Cáo "thu phục" em Hồ Văn Nguyện ra lớp. Gặp thầy, bố mẹ Nguyện và em đồng ý nhưng ngày khai giảng lại không thấy mặt mũi đâu.
Các thầy giáo và cán bộ xã vào bản Kè nói chuyện với phụ huynh để "thu phục" học trò ra lớp |
Thầy lại vào bản gặp bố của Nguyện, nhưng bố Nguyện lại bảo: "Cha mẹ của nó có học đâu mà nó phải đi học. Vào rừng đi bẫy thú còn có cái ăn". Hôm sau thầy cùng cán bộ xã tiếp tục vào bản, thấy Nguyện đang ngủ giữa sàn nhà nhưng mẹ em lại giấu và nói em lên rẫy rồi. Thuyết phục mãi, mẹ Nguyện vẫn không cho vào nhà còn bị chửi "thầy gì mà lỳ".
Năm nào cũng vậy, đầu năm đi vận động học sinh lắm chuyện bi hài, cười không ra nước mắt. - "Có thời điểm mình vào bản tìm trò thấy dân bản tụ tập uống rượu. Khi từ chối nhậu họ bảo thầy gì mà "khinh người", mà ngồi xuống lại chuốc cho thầy say, có khi còn bị xin tiền mua rượu. Ngồi nhắc chuyện đưa trò đến lớp cũng bị dân bản, "chửi" thầy lỳ lợm" - thầy Dương chia sẻ.
Hành trình vào Nam đi "bắt" trò
Tại Trường Phổ thông DTBT TH và THCS Lâm Hóa, việc giữ trò đến lớp như một "cuộc chiến" trường kỳ của các thầy cô. Không chỉ đầu năm học, mà dịp sau Tết Nguyên đán, ngay cả giữa năm học chuyện học sinh bỏ lớp vào rừng hay đi miền Nam "như cơm bữa". Mỗi lần như vậy, các thầy cô giáo nơi đây lại khăn gói lặn lộn tìm đến tận nơi đưa trò về lớp.
Thầy Lâm, kể năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, cả trường tá hỏa khi vắng tới 5 em học sinh cấp 2 ở bản Kè. Sau đó, thầy cô tức tốc về bản hỏi thì các bậc phụ huynh nói tỉnh bơ: "Nó bỏ học vào Nam mần ăn, kiếm tiền nuôi cái bụng nó rồi. Thầy đừng tìm nó nữa mà mệt".
Biết vậy nên các thầy cô tìm cách liên lạc qua người quen, khi biết địa chỉ các em đang ở. Nhà trường cùng phía xã cử cán bộ khăn gói vào tới Bình Dương "bắt" trò về.
Các thầy giáo và cán bộ xã vào bản Kè nói chuyện với phụ huynh để "thu phục" học trò ra lớp |
"5 em rủ nhau đi cùng chuyến xe, nhưng vào tận nơi mỗi đứa phân tán một chỗ. Đứa làm đồn điền, đứa ở khu công nghiệp. Mất gần 3 ngày, với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương mới tìm được 4 em. Anh cán bộ công an xã phụ trách dẫn 4 em về, còn tui ở lại 5 ngày, lùng sục mãi ở các khu công nghiệp mới tìm được em Cao Văn Bình và đưa về" - thầy Lâm nhớ lại.
Về đến nhà, đi học lại được một tuần, ngày nghỉ thì Bình lại trốn nhà bắt xe vào Nam. May mắn, người dân trong bản biết nên báo cho nhà trường. Các thầy trong trường tìm số điện cho nhà xe nhưng không hợp tác. Đến khi Chủ tịch xã điện thoại nhà xe mới cung cấp lộ trình.
Lúc ấy, thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng trường, cuối tuần nên về thăm nhà ở TP Đồng Hới. Nghe tin, thầy Tâm liền chạy ra đường đón chặn xe. Thầy kể, khi đó trời mưa rả rích, chờ hơn 1 giờ đồng hồ mới đón được xe. Thấy bóng thầy, Bình đắp chăn kín mặt, núp dưới sàn xe. Khi thầy lật chăn thì tỏ ra ngơ ngác hỏi lại bằng giọng miền Nam "ai dậy".
Cả nhà xe tỏ ra nghi ngờ, nghĩ mình bắt cóc trẻ em, dùng dằng mãi khi xe của cán bộ xã và các thầy đuổi kịp thì mới "hộ tống" được em Bình về nhà.
Năm nay sắp đến ngày khai giảng nhưng còn thiếu 5 em học sinh người Mã Liềng trên rẫy chưa về trường. Mấy ngày nay, thầy Tâm cùng các giáo viên rất sốt ruột. Thầy nói thiếu học sinh, đặc biệt là các em học sinh Mã Liềng không đơn giản là chuyện phổ cập. Chỉ cần thiếu một em là các em khác rất dễ bỏ học theo, tới đây các thầy lại phải đùm cơm, khăn gói vào tận rẫy tìm học sinh đến lớp.
Quyết "gieo" con chữ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa có 34 giáo viên, với 213 học sinh. Trong đó có 120 học sinh người Mã Liềng. Các em được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày. "Để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mã Liềng về việc học, đòi hỏi sự miệt mài và tâm huyết của những người theo nghiệp gieo con chữ. Chúng tôi hiểu rõ điểu đó và cố gắng phấn đầu từng ngày, từng năm học..." thầy Nguyễn Hữu Tâm nói. |
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người lao động