Vào mỗi vụ thu hoạch lúa Hè Thu, bảo quản để hạt thóc không bị ẩm mốc, hư hỏng là một vấn đề vô cùng nan giải đối với bà con nông dân huyện Hưng Nguyên - vùng rốn lũ của tỉnh. Nông dân thu hoạch trong vội vã và tận dụng những bất cứ khoảng không nào có thể… từ sân nhà, đường làng, thậm chí đường Quốc lộ để phơi thóc thủ công.
Ông Mai Hữu Thọ - xóm 5 xã Hưng Xá - huyện Hưng Nguyên nói: Có những ngày vừa đổ ra đã phải xúc vào ngay vào thời tiết ko thuận lợi cho nên mùa này bà con vất vả ngày công.
Nông dân vùng rốn lũ Hưng Nguyên khẩn trương thu hoạch lúa Hè - Thu chạy lụt
Cũng có không ít các hộ dân do không có điều kiện phơi thóc đảm bảo, dễ bị thất thu nên thu hoạch xong đành phải bán thóc tươi ngay tại ruộng, mặc dù bị thương ép giá xuống từ 4 đến 5 lần giá trị. Bà Lê Thị Hiên - xóm 4, xã Hưng Xá - huyện Hưng Nguyên lo lắng: Trời mưa nên gặt về lúa ướt, đổ đó, chưa phơi được. Nếu không phơi được thì lúa sẽ mốc nên tư thương lại ép giá, nông dân phải bán đổ bán tháo, rất thiệt thòi.
Tại huyện Hưng Nguyên, hàng năm thu hoạch đạt gần 60 nghìn tấn lương thực. Sản lượng của các xã vùng trũng thường xuyên ngập lụt cũng chiếm đến 40% tổng sản lượng lương thực toàn huyện. Như vậy, đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn chục nghìn tấn bị thiệt hại. Ông Hoàng Đức Ân- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Nếu giải quyết được vấn đè sấy cho nông dân thì nâng cao được chất lượng sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, việc sấy thì phải thực hiện dưới hình thức HTX,doanh nghiệp đúng ra để làm vì chi phí đầu tư rất lớn cơ chế hỗ trợ thì chưa đủ để hộ nông dân đầu tư hệ thống sấy.
Bởi thiếu hệ thống sấy nên nông dân Hưng Nguyên tận dụng mọi nơi để phơi lúa
Thiệt hại kinh tế không chỉ diễn ra trên cây lúa Hè Thu do khó khăn trong bảo quản, chế biến mà còn diễn ra tại các loại cây rau màu tại vùng chuyên canh, thâm canh cả năm và trên lĩnh vực thủy hải sản tại địa phương trọng điểm trong lĩnh vực này.
Tại vựa rau màu xã Quỳnh Minh - huyện Quỳnh Lưu, điều nông dân lo lắng nhất là thu hoạch vào mùa rộ, không có giải pháp bảo quản, bà con phải bán tháo, với giá bị giảm gấp nhiều lần. Các cơ sở thu mua, năng lực đầu tư thấp nên chưa được trang bị hệ thống phòng lạnh bảo quản, làm tươi rau, giá trị cây rau màu từ đó chưa tương xứng với tiềm năng. Hay trên lĩnh vực thủy sản, mặc dù sản lượng khai thác hàng năm lớn,có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ được bảo quản trong các cơ sở thu mua, chế biến chưa được đầu tư CN hiện đại, đủ năng lực phân loại bảo quản. Sản phẩm hầu như chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị thấp.
Anh Hồ Khắc Châu- xóm 5 xã Quỳnh Minh- huyện Quỳnh Lưu nói: Do khâu bảo quản của chúng tôi chưa khoa học chưa đảm bảo, nên nhờ cơ quan chức năng có điều kiện giúp chúng tôi để làm sao có nhà máy đông lạnh hoặc có quy trình bảo quản rau dài hơn để nông dân bán có giá hơn.
Anh Hồ Sỹ Lực - Chủ cơ sở thu mua bảo quản xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nếu như đầu tư để phát triển đạt yêu cầu thì mức vốn khoảng 10-20 tỷ đồng và cần diện tích đất đai rộng mới xây dựng được cơ sở,máy móc đạt được yêu cầu.
Mỗi năm Nghệ An thu hoạch 1,2 triệu tấn lương thực, 400 nghìn tấn rau củ, quả, 145 nghìn tấn thủy hải sản. Nếu tính mức thiệt hại sau thu hoạch do bảo quản không đảm bảo ở mức bình quân là 5% thì hằng năm toàn tỉnh bị mất trắng 60 nghìn tấn lương thực, 30 nghìn tấn rau củ qủa... Có nghĩa là hiệt hại kinh tế lên đến con số trên 400 tỷ đồng và bằng 8% giá trị của ngành NN. Thực tế, từ năm 2010, tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ xây dựng lò sấy, với kinh phí mỗi năm từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có một lò sấy nào đến được với người dân.
Lĩnh vực NN luôn phải đổi mặt với nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.Mặc dù tổn thất sau thu hoạch đối với lúa được thu hẹp nhưng với mặt hàng rau quả, thủy sản vẫn còn cao; ngành mía đường khả năng cạnh tranh vẫn còn thấp, giá thành cao. Nguyên nhân do năng lực về tài chính trong dân để đầu tư hệ thống bảo quản, chế biến còn hạn chế, vốn tín dụng chưa được phát huy.
Nỗi lo mùa màng luôn thường trực trong mỗi người nông dân từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch
Trong 2 năm thực hiện QĐ 68 của TTCP về cho vay giảm tổn thất trong NN, hệ thống ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã giải ngân gần trên 200 tỷ đồng cho các hộ dân. Những nguồn vốn chỉ tập trung vào việc mua máy móc thiết bị phục vụ công tác sản xuất, thu hoạch. Còn lĩnh vực chế biến, bảo quản thì chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó GĐ Ngân hàng NN&PTNT cho hay: Ở nghệ An sản xuất nhỏ lẻ manh mún chưa phát triển do đó các chương trình phục vu kinh tế hàng hóa chưa có,nhu cầu của các hộ dân vay vốn cũng chưa có.Vì vậy cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp nông thôn,áp dụng KHKT trong nông nghiệp, liên doanh giữa các nhà sản xuất khi đó khối lượng sản phẩm lớn mới cần kho tàng bảo quản.
Ông Nguyễn Văn Lập- Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết: Chúng ta cần có cách tiếp cận khác đó là tính toán những sản phẩm cần có lò sấy thì chúng ta hỗ trợ làm lò sấy. Không thể hỗ trợ từng hộ được mà là hỗ trợ một tổ chức,chúng tôi cho rằng tổ chức tốt nhất đó là HTX hoặc tổ hợp tác.
Rõ ràng, sản xuất NN cùng với chuyển giao tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị sản phẩm thì việc tổ chức, triển khai để giảm tổn thất sau thu hoạch cần phải được quan tâm đúng mức. Để làm được điều này không có lời giải nào khác chính là phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực kinh tế tập thể. Và điều quan trọng là phải có cơ chế chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút các DN cùng tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm.
Tác giả bài viết: Thu Vinh - Phạm Gái