Kinh tế

Giảm thuế xăng dầu, lo đứt nguồn cung!

Đưa sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của Dung Quất vào công thức tính thuế bình quân gia quyền giúp giảm thuế, hạ giá thành nhưng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung

Lần đầu tiên, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20-10 vừa qua, thuế bình quân gia quyền với xăng chỉ còn 8,56%, dầu diesel thấp kỷ lục - còn 2,15%. Trong khi đó, thị trường có thuế nhập khẩu thấp nhất hiện nay là Hàn Quốc ở mức 10%. Nguyên nhân là do khi tính thuế, cơ quan điều hành giá đã gộp cả sản lượng xăng với mức thuế điều tiết chỉ 7% và dầu 0% của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

"Giải cứu" lọc dầu Dung Quất

Cách tính thuế như trên giúp 2 đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cụ thể, khi mức thuế trung bình dùng để tính giá cơ sở giảm xuống, kéo theo giá bán giảm thì người tiêu dùng sẽ được mua giá xăng dầu rẻ hơn. Cùng đó, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu trong nước cũng sẽ không "dại" gì khi tiếp tục nhập hàng từ Hàn Quốc và ASEAN với thuế suất 10%-20% mà sẽ chuyển sang mua của Dung Quất. Khi đó, Dung Quất sẽ thoát được mối lo chưa ra hàng đã dư thừa như lâu nay. Thực tế, đã có DN chuyển sang nhập hàng chính từ Dung Quất, như Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro).

Cách tính thuế bình quân gia quyền đang gây bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu Ảnh: Tấn Thạnh

Song, ở khía cạnh khác, cũng phải nhận thấy rằng hiện Dung Quất chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, riêng quý cuối năm là khoảng 47%. Đại diện Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng thừa nhận phải 5 năm nữa, cả lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn mới đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước, bởi nhu cầu sẽ tăng lên theo thời gian.

Như vậy, dù cho thuế nhập khẩu có cao hơn thuế trong nước đáng kể thì các DN vẫn sẽ phải tìm đến các đầu mối nhập khẩu nước ngoài trong một thời gian dài nữa.

Đại diện một DN đầu mối phía Nam thừa nhận mỗi lít xăng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc, DN bị thiệt hại gần 2% thuế suất. Còn với xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN thì phần thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, phần thiệt hại này có sự phân hóa giữa các DN. DN nào có được mối hàng tốt, nhập được xăng dầu từ Hàn Quốc nhiều hơn và nhờ thuế suất thấp nên giúp giảm chi phí đầu vào. Ngược lại, DN nào phải nhập khẩu từ ASEAN và đặc biệt là không mua được nhiều từ Dung Quất thì giá nhập chắc chắn sẽ cao hơn, thậm chí cao hơn đáng kể so với giá cơ sở tính theo thuế bình quân. Tất nhiên, không phải DN nhập khẩu nào cũng chịu mức thuế cao như vậy.

"Cơ quan quản lý đã biết đến sự bất bình đẳng này. Dự kiến, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan sẽ bàn bạc và tính phương án tăng phụ phí cao hơn đối với sản phẩm của Dung Quất. Bởi lẽ, bản chất thuế của Dung Quất chính là các phụ phí nên phải tăng phụ phí có thể bù lại chênh lệch và thỏa đáng hơn" - đại diện một DN xăng dầu phía Nam thông tin.

Cần điều chỉnh chính sách thuế

Theo vị đại diện DN này, cơ quan quản lý cần sớm điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với sản phẩm nhập từ một số thị trường trong ASEAN. Điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng về giá mà còn tránh tình trạng DN thấy giá cao, giảm nhập khẩu, thu hẹp quy mô kinh doanh, dẫn đến khan hàng, gây bất ổn thị trường.

Tuy tin tưởng khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đưa sản phẩm ra thị trường với nhiều ưu đãi về thuế có thể ổn định được nguồn cung nhưng đại diện DN nêu trên cũng tỏ ra lo lắng. Bởi lẽ, sắp tới, khi triển khai lộ trình xăng sinh học E5, người tiêu dùng có xu hướng chưa tin tưởng nên chuyển qua dùng RON 95, sẽ gây căng thẳng nguồn cung loại xăng này. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không sản xuất được xăng RON 95 và bắt buộc phải nhập khẩu, còn phía Hàn Quốc thì đang hạn chế xuất khẩu loại xăng này.

"Giá xăng RON 95 rõ ràng là sẽ tăng nhưng tăng cụ thể bao nhiêu còn phải đợi đến thời điểm triển khai xăng E5 để đánh giá thị trường. Bên cạnh đó, trong nước không sản xuất được RON 95, mặt khác nhập khẩu thuế cao, thậm chí dù thuế cao cũng không có nhiều để mua. Như thế, nguồn cung chắc chắn không dễ bảo đảm" - đại diện một DN phân tích.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng nguy cơ đứt nguồn cung sẽ không quá lớn bởi thị trường xăng dầu nói riêng và thị trường các mặt hàng nói chung đang được điều tiết trên một "mặt phẳng". Khi đó, xăng dầu từ các thị trường khác, như ASEAN, có thể chuyển qua Hàn Quốc để về Việt Nam. Đó là cách thức không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho các nước khu vực ASEAN. Bởi lẽ, bản thân họ cũng phải tính đến nguy cơ sụt giảm xuất khẩu khi khách hàng lớn nhất ở Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong năm qua chỉ nhập từ ASEAN vài lô hàng để phục vụ nhiệm vụ chính trị của DN này. Phần còn lại, Petrolimex nhập toàn bộ từ các thị trường có thuế suất thấp hơn.

Tuy không lo đứt nguồn cung nhưng ông Ruệ nhận xét việc tính thuế như thế này là quá phức tạp, phải bóc tách số liệu từ nhiều nguồn, nhất là khi sắp tới đây, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại với một cơ chế thuế riêng và tính đến trong công thức thuế bình quân gia quyền. "Giải pháp cho thuế xăng dầu hiện nay là xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi - tức là bằng với thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, lấy đó là mức thuế để tính giá cơ sở" - ông Ruệ kiến nghị.

Giải thích thêm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận việc tính thuế bình quân gia quyền như hiện nay là không đúng với Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 83 quy định lấy thuế nhập khẩu của thời kỳ tính giá cơ sở để làm dữ liệu tính giá cơ sở, chứ không phải tính gia quyền trong một quãng dài như vậy. Tính toán theo cách hiện nay, giá xăng trong nước không phản ánh đúng diễn biến thị trường.

Sẽ điều hành phù hợp

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết có một số ý kiến cho rằng với mức thuế bình quân gia quyền là 8,56%, thấp hơn mức thấp nhất nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể dẫn đến nguy cơ đứt nguồn cung.

"Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong vấn đề này. Trong trường hợp ảnh hưởng tới dự trữ xăng dầu, có thể tác động tới nguồn cung, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu cho phù hợp" - bà Mai nói.

Tác giả: Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP