Tin địa phương

Giám sát chặt dịch vụ thẩm mỹ

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã đặt ra yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ.

Công an kiểm tra kiểm tra cơ sở thẩm mỹ ID Korea tại Đà Nẵng. (Ảnh: Công an cung cấp)


Theo Sở Y tế thành phố Ðà Nẵng, địa bàn hiện có 30 cơ sở hoạt động trong phạm vi chuyên khoa thẩm mỹ, trong đó có 11 bệnh viện, 1 phòng khám đa khoa và 18 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 47 cơ sở khám, chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu. Tuy nhiên, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa được cấp phép, hoạt động “chui” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước đây, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cơ sở thẩm mỹ thuộc một trong những hình thức dịch vụ y tế có điều kiện. Ðến cuối năm 2023, Sở Y tế thành phố Ðà Nẵng đã tiếp nhận và công bố 129 cơ sở đủ điều kiện công bố cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Tuy nhiên đến tháng 1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có hiệu lực quy định tất cả cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến kỹ thuật (theo quy định tại Ðiều 12, Nghị định số 96/2023/NÐ-CP, ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh) như: sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người mà làm thay đổi màu sắc, hình dạng, cân nặng, khắc phục khiếm khuyết, tái tạo tế bào, bộ phận chức năng cơ thể và thực hiện phun xăm thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc tê dạng tiêm thì phải tổ chức hoạt động theo hình thức cơ sở khám, chữa bệnh. Ðiều này có nghĩa là phải được Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động.

Quy chiếu với quy định mới này, 129 cơ sở đủ điều kiện công bố cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại Ðà Nẵng không được phép thực hiện kỹ thuật dịch vụ thẩm mỹ, quy định tại Ðiều 12, Nghị định số 96/2023/NÐ-CP.

Năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện loạt sai phạm, bắt quả tang tại một cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn quận Thanh Khê (Ðà Nẵng) để nhân viên lao công phẫu thuật kéo căng da mặt cho khách. Chủ cơ sở này sau đó đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 320 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 1 năm. Năm 2023, Sở Y tế thành phố Ðà Nẵng phối hợp các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động của 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có 40 cơ sở đang hoạt động, nhưng đến 22 cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thẩm mỹ.

Theo Kết luận số 40/KL-Ttr ngày 17/5/2024 của Thanh tra Sở Y tế thành phố Ðà Nẵng, sau khi thực hiện thanh, kiểm tra đối với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, có 9/18 cơ sở được thanh tra bị xử phạt hành chính, chiếm tỷ lệ 50%. Trong đó, một số cơ sở có những hành vi nghiêm trọng bị hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn...

Nguy cơ từ tình trạng các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ hiện phát triển tràn lan, mọc lên như nấm sau mưa sẽ không nhỏ nếu không có các giải pháp căn cơ và chế tài đủ mạnh. Kiểm tra, xử phạt, đình chỉ, tước giấy phép, đóng cửa... là cần thiết nhưng “hậu kiểm” như thế nào để các cơ sở vi phạm đó nhìn nhận và thực hiện đúng cam kết với cơ quan chức năng? Ðây thật sự là vấn đề cần được quan tâm kịp thời, đúng mức.

Tác giả: NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP