Trong ngày làm việc thứ 2 (8/12) Kỳ họp thứ 16, HĐND Đà Nẵng khóa IX, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) có những phát biểu đáng chú ý về tháo gỡ vướng mắc đất đai.
Theo ông Hùng, tháo gỡ những vướng mắc về quản lý đất đai nhằm khơi thông nguồn lực, ổn định trật tự xã hội cũng như góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH là một trong những vấn đề suốt gần nhiệm kỳ qua. Đây cũng chính là vấn đề mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hết sức quan tâm.
Thời gian qua, Sở TN-MT đã tham mưu giải quyết dứt điểm vướng mắc của một số dự án lớn như Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành, dự án khu đô thị sinh thái Nam Ô, dự án làng thể thao Tuyên Sơn, dự án Mega Asset... và đang tiếp tục tham mưu, tháo gỡ cho những dự án khác.
“Những dự án được khơi thông sau nhiều năm đóng băng, lợi ích xã hội ít nhiều được nhìn thấy. Năm 2020, nguồn thu từ đất đai của Đà Nẵng tăng 36% từ việc tháo gỡ vướng mắc này là một đóng góp lớn”, ông Hùng nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nói về những khó khăn trong quá trình gỡ vướng mắc đất đai của thành phố. |
Theo ông Hùng, nếu thành phố không có chính sách “đột phá” về giải tỏa đền bù thì làm sao có thể di dời hàng trăm nghìn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như hôm nay. Tuy nhiên, với pháp luật thì mọi sự vận dụng không đúng đều là sai phạm và phải bị xử lý, khắc phục.
“Chúng tôi, những người đương nhiệm cũng rất ray rứt khi mà những thế hệ lãnh đạo đi trước đang phải chịu sự xử lý nghiêm khắc với mức án nặng nề. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự chia sẻ, tháo gỡ nút thắt trong tư duy, quan điểm khi tiếp cận giải quyết vấn đề đất đai mang tính lịch sử của thành phố”, Hùng chia sẻ.
Vì vậy, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng kiến nghị HĐND thành phố ban hành một nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ vướng mắc đất đai. Trong đó, có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề tồn tại trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu, đề xuất tháo gỡ.
“Nghị quyết cũng phải nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc có những sai sót, thiếu sót do khách quan đem lại”, ông Hùng kiến nghị.
Ông Tô Văn Hùng cũng nhắc đến những cuộc họp tháo gỡ các dự án, có những lúc bế tắc và đề nghị Thường trực HĐND cùng vào cuộc, nghiên cứu, định hướng những giải pháp phù hợp để chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện.
“Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc do yếu tố lịch sử để lại rất cần sự cùng vào cuộc này. Thực tế chúng tôi đã từng đối diện với những văn bản trả lời với nội dung: Đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật, khiến chúng tôi hoang mang trong việc tham mưu. Vốn gốc của vấn đề đã sai, tiếp theo cần tháo gỡ thì làm sao có thể đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nêu thực tế.
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng mong có sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri thành phố trong vấn đề này.
Quan điểm của thành phố là luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vận dụng tối đa các quy định hiện hành để tháo gỡ. Tuy nhiên rất cần có thời gian, có những vấn đề vượt thẩm quyền cần xin ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương.
“Dù mọi vướng mắc dẫn đến sai phạm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng nếu không đồng hành, nhiều vụ việc sẽ không có lối thoát”, ông Hùng nói.
Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước, Đà Nẵng, một trong những dự án dính sai phạm được Thanh tra Chính phủ kết luận. |
Trước những kiến nghị này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, chúng ta thừa hưởng thành quả của thế hệ đi trước thì phải có trách nhiệm đối với việc khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển của thành phố.
“HĐND thành phố sẵn sàng đồng hành, ban hành nghị quyết theo thẩm quyền. Khi đã đưa ra HĐND thành phố thì nó rõ ràng, minh bạch và lúc đó anh em mới vượt qua được tâm lý lo lắng, sợ sệt trong thực hiện”, ông Trung cho hay.
Tác giả: XUÂN TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC News