Kinh tế

Giám đốc FLC Sầm Sơn bị hoãn xuất cảnh

Do Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort nợ thuế quá hạn nên Giám đốc công ty này bị cơ quan thuế đã đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

Dự án Khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort với quy mô 200 ha. Ảnh: Nguyễn Dương.


Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa vừa có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort (FLC Sầm Sơn).

Trong thông báo cho biết ông Vũ Anh Tuân là Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/5 đến khi doanh nghiệp này nộp đủ tiền thuế.

Ông Tuân cũng đang giữ chức Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC từ đầu năm 2023.

Tính đến đầu tháng 4, Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort đang nợ thuế gần 14 tỷ đồng và đang bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 11/2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết công ty còn nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của 734 người lao động trong 33 tháng với số tiền hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty mẹ của doanh nghiệp này là CTCP Tập đoàn FLC cũng đang nợ thuế quá hạn hơn 160 tỷ đồng.

Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort là công ty con của Tập đoàn FLC với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018 công ty tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Sau 6 tháng, công ty tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng.

Đây là công ty thực hiện nhiều dự án của FLC tại Thanh Hóa. Trong đó đáng chú ý là dự án Khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort với quy mô 200 ha bao gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, câu lạc bộ... có quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.

Nằm trong quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, khách sạn FLC Grand Hotel có quy mô 15 tầng, xây dựng trên diện tích 3,6 ha với tổng mức đầu tư 922 tỷ đồng. FLC đã tổ chức thi công hoàn thiện khi chưa có giấy phép xây dựng.

Liên quan đến hoạt động của công ty mẹ là Tập đoàn FLC, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 2, HĐQT FLC đã có thêm 2 nhân sự mới là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh làm Thành viên HĐQT thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

HĐQT mới của FLC sẽ có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT; bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó chủ tịch thường trực; bà Trần Thị Hương và các thành viên là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

Lãnh đạo FLC đánh giá 2 năm 2022-2023 là giai đoạn khó khăn do bị ảnh hưởng bởi thông tin cũng như những vấn đề phát sinh liên quan đến vụ việc của dàn lãnh đạo cấp cao cũ. Dù vậy, FLC vẫn duy trì hoạt động.

Tổng giá trị tài sản hiện hữu của tập đoàn này ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Tập đoàn cũng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.

Sau quá trình tái cơ cấu, FLC đã giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên. Hiện FLC có 14 công ty con và một công ty liên kết.

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP