Tin địa phương

Giám đốc đi nhặt rác

Nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà không đơn giản và khá nguy hiểm, các thành viên phải men theo những vách đá hay mò lặn rác bên dưới các bãi đá

Vào dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, khi từng đoàn du khách đến Sơn Trà thưởng lãm báu vật thiên nhiên dành cho Đà Nẵng ra về cũng là lúc những bãi đá xinh đẹp, thơ mộng nơi đây phải trân mình gánh chịu lượng lớn rác thải của nhiều người thiếu ý thức. Trăn trở với thực trạng nhức nhối này, chàng giám đốc trẻ Võ Thành An (quê Gia Lai) đã kêu gọi nhiều người chung tay làm xanh, sạch lại nơi này.

Từ một status trên Facebook

Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Võ Thành An cùng nhóm bạn đến bán đảo Sơn Trà cắm trại, hòa quyện tâm hồn với thiên nhiên. Nhưng tâm hồn ấy bị "cào xước" bởi lượng lớn rác thải ngập tràn trên các bãi đá. Hưởng ứng phong trào Challenge For Change - Thử thách dọn rác mà cả thế giới đang thực hiện, An đã viết status trên trang Facebook cá nhân kêu gọi mọi người đi nhặt rác.

Đầu tháng 3 vừa qua, An đã lôi kéo được 8 thành viên tham gia. Chuyến dọn rác đầu tiên, An và những người bạn đã thực hiện tại bãi đá Đen thuộc bán đảo Sơn Trà. Sau đó, An đã phát động rộng rãi và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Lần thứ hai, có đến hơn 50 người đăng ký tham gia nhóm và họ thực hiện ở một bãi đá rộng hơn nằm gần bãi đá Đen. "Lần thứ ba thì đã có hơn 100 người tham gia. Họ dù thuộc nhiều thành phần như sinh viên, lãnh đạo doanh nghiệp, khách du lịch nước ngoài… nhưng tôi cảm nhận họ có điểm chung là hết mình vì môi trường" - An cho hay. Trong lần này, nhóm dọn rác của An đã nhặt được hơn 300 bao rác loại 50 kg, trả lại nét hoang sơ cho các bãi đá. Rác thu dọn chủ yếu là bao ni-lông và vỏ chai nhựa do con người bỏ lại hay những miếng xốp, thanh gỗ mục bị sóng đánh trôi dạt vào bờ.

Võ Thành An đang điều hành công việc dọn rác tại các bãi đá ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng Ảnh: THÀNH VÕ

Mỗi chuyến dọn rác được An lên kế hoạch rất kỹ, thời gian từ 6 giờ 30 phút đến 16 giờ ngày chủ nhật. Tuy nhiên, để đưa một nhóm vài chục người lên núi Sơn Trà, An phải xin phép chính quyền địa phương. An cũng chính là người chuẩn bị vật dụng nhặt rác, đồ ăn và nước uống cho những người tham gia. "Tôi đã vài lần tham gia một số nhóm nhỏ dọn rác ở Sơn Trà. Tuy nhiên, cách làm như vậy như "muối bỏ biển", không mang lại hiệu quả vì vẫn còn lượng rác khá lớn chưa nhặt kịp nên du khách sẽ không ngần ngại xả tiếp. Vì vậy, nếu huy động thật nhiều người cùng ra quân dọn sạch một nơi đã chọn, du khách muốn xả rác cũng phải chùn tay" - An cho biết. Cho đến nay, nhóm của An có tổng cộng hơn 250 thành viên.

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở TP Đà Nẵng, An vào TP HCM tìm kiếm cơ hội và thử sức. Năm 2018, An trở lại TP Đà Nẵng mạnh dạn thành lập công ty tổ chức sự kiện. Theo bạn trẻ này, những kinh nghiệm, chuyên môn tổ chức sự kiện đã giúp đỡ An rất nhiều khi kêu gọi và tổ chức cộng đồng chung tay dọn rác ở Sơn Trà. "Dù chỉ là việc nhặt rác nhưng tất cả vẫn được tổ chức một cách quy củ, có ý thức. Nhiệm vụ của từng người hay từng nhóm tôi đều phân công cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất" - An chia sẻ. An cho rằng sự nhiệt huyết mà thiếu đi kỹ năng tổ chức thì khó đạt năng suất cao.

Tăng ca ban đêm để chủ nhật đi nhặt rác

"Ai cũng có công việc riêng và có thể khá bận rộn nhưng hễ có chủ nhật rảnh rỗi là họ dành cả ngày để đến Sơn Trà nhặt rác. Nhiều anh chị còn bảo đi thế này về nhà thường bị vợ hoặc chồng mắng nhưng vẫn cứ thích đi" - An cười kể lại.

Điều hành công ty tổ chức sự kiện cho rất nhiều đơn vị, công việc "đầu tắt mặt tối" nhưng An cố gắng sắp xếp và luôn dành quỹ thời gian cho nhóm. "Chúng tôi không dự định sẽ dọn rác liên tục trong các chủ nhật nhưng bất cứ khi nào cả nhóm sẵn sàng thì sẽ tổ chức ngay. Nhiều lúc, tôi phải cố gắng giải quyết công việc vào ban đêm để chủ nhật có thể đi nhặt rác" - An nói.

Hàng trăm bao rác được các thành viên tập kết để đưa đi xử lý

Công việc nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự khá nguy hiểm vì địa hình ở các bãi đá khá chông chênh, trơn trượt. Các thành viên phải men theo những vách đá hay mò lặn rác ở độ sâu 1 m bên dưới các bãi đá. "Có nhiều bạn nữ không chịu được vất vả đã gần như xỉu. Có nhiều lúc, trở về nhà sau cả ngày nhặt rác, đôi chân của mọi người như sắp rụng. Nhưng cứ nhìn thấy thành quả, chất thải ô nhiễm môi trường được đóng vào bao cẩn thận và tập kết hàng đống dưới chân núi, các bãi đá đã được trả lại vẻ nguyên sơ, ai trong nhóm cũng hạnh phúc" - An chia sẻ.

Với nhóm dọn rác của An, chúng tôi cảm nhận được giây phút họ vui nhất có lẽ là lúc thưởng thức bữa trưa cùng nhau dưới bóng mát của cây xanh ở Sơn Trà do An chuẩn bị sẵn. Theo An, nhiều người trong nhóm không biết tên hay công việc của nhau nhưng lại hòa đồng với nhau trong những ngày đi dọn rác. "Đủ thứ câu chuyện trên trời dưới đất, người trẻ nói theo kiểu trẻ, người lớn nói theo kiểu người lớn hay những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật được mọi người trong nhóm sẻ chia trong giờ nghỉ trưa khiến hành trình nhặt rác trở nên vui vẻ, hào hứng hơn" - An đúc kết.

Khi chúng tôi hỏi về sự duy trì hoạt động của nhóm, An cho rằng công việc sẽ kéo dài dựa vào nhiệt huyết của các thành viên. Không chỉ là dọn rác, An cho hay sẽ cùng mọi người nghĩ ra những địa điểm trồng cây hay góp tay làm sạch môi trường ở những nơi khác hoặc sơn, vẽ lại tường cho các trường học ở miền núi. "Cũng có lúc tôi nghĩ đến việc sẽ tổ chức cho cả nhóm làm từ thiện. Kêu gọi làm từ thiện thì rất khó nhưng trước mắt là ở các thành viên trong nhóm. Có thể mỗi người sẽ chỉ cần bỏ ra bữa ăn sáng thì đã đủ để làm một chuyến từ thiện rất có ý nghĩa rồi" - An dự tính.


Tác giả: BÍCH VÂN

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: nhặt rác , đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP