Giáo dục

Giải bài toán trường mầm non cho con công nhân, dân nhập cư

Vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) một lần nữa làm nổi lên vấn đề bài toán gửi trẻ ở những địa bàn đông dân nhập cư sinh sống.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc các bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh bạo hành trẻ, chiều 27/11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã đề nghị gắn camera ở tất cả các trường mầm non trên cơ sở, tuân thủ quy định của pháp luật để giám sát việc bạo hành trẻ em.

Sau đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đã ký công văn khẩn gửi các cơ quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập…

Các bé gửi tại cơ sở mầm non Mầm Xanh được khám sức khỏe chiều ngày 27/11. (Ảnh: Hoài Nam)

Đây là các động thái kịp thời của TPHCM sau khi vụ việc xảy ra. Nhưng để có thể cung cấp môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non là một bài toán mà cần nhiều bên tham gia phối hợp. Và để giải hiệu quả bài toán này thì cần một chiến lược dài hơi, chứ không chỉ là lắp camera giám sát hay đình chỉ các cơ sở mầm non tư thục vi phạm quy định. Đình chỉ cơ sở vi phạm này thì lại có cơ sở khác mọc lên. Bởi lẽ vấn đề đáng nói ở đây là nhu cầu gửi con của công nhân và dân nhập cư là rất lớn, và xét tới các yếu tố như chi phí gửi trẻ, thời gian gửi trẻ, thì dường như các cơ sở mầm non tư thục lại đáp ứng được và phù hợp với các phụ huynh này.

Theo chia sẻ của một số công nhân có con gửi tại cơ sở mầm non Mầm Xanh, họ làm công nhân nhiều năm hiện vẫn chỉ thuê nhà trọ ở, không có hộ khẩu hay tạm trú nên cơ hội để gửi con vào trường công lập là rất khó. Ngoài ra, một cái “éo le” nữa là nếu gửi con ở các cơ sở công lập thì công nhân không được nghỉ thứ bảy để ở nhà với con. Thêm nữa, công việc của công nhân thường tăng ca đến hơn 6 giờ hoặc muộn hơn mới về, trong khi các trường công chỉ giữ trẻ vào giờ hành chính.

Không gửi được con ở trường mầm non công lập, công nhân cũng không kham nổi chi phí gửi trẻ ở các trường tư lớn, nói như chia sẻ của một công nhân là “trường tư gần nhưng mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng, gần bằng lương chưa tăng ca công nhân”, thậm chí nếu gửi vào trường chất lượng khá thì mỗi tháng phải đóng 4-5 triệu đồng, bằng cả tháng tiền lương công nhân. Do vậy, các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ gần nhà nơi nhận trông trẻ cả ngày lẫn đêm là giải pháp phù hợp để công nhân “bấm bụng” gửi con, và trông chờ may rủi vào sự nhân từ của các cô bảo mẫu mà nhiều khi là không có bằng cấp chuyên môn.

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) nơi các bảo mẫu bạo hành trẻ kinh hoàng. (Ảnh: Hoài Nam)

Nhu cầu gửi trẻ của công nhân và dân nhập cư rất lớn, trong khi không có đủ trường lớp để đáp ứng các điều kiện của đối tượng phụ huynh này.

Báo Phụ nữ Việt Nam trích dẫn số liệu thống kê cho thấy, cả TPHCM hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động, đa phần là người nhập cư. Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đã có hơn 250.000 công nhân lao động, ít nhất cũng có 40.000-50.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trong khi đó, thành phố đang triển khai 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân (đến năm 2020), tối đa giữ được 11.000 trẻ. Hiện đã có 14 dự án được hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 5.000 trẻ.

Báo Pháp luật TPHCM cho biết, theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, hiện TPHCM có 1.100 trường mầm non, trong đó ngoài công lập là 650 trường; số trường tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục chiếm tỉ lệ hơn 55%. Trong đó nhiều quận, huyện đông dân nhập cư, số trường và nhóm, lớp tư chiếm gần như đa số.

Xét đến các yếu tố kể trên, công nhân đành phải chấp nhận gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ vốn ẩn chứa nhiều rủi ro cho trẻ. Thật ra, nếu không có chế tài cụ thể thì khó có thể trông chờ các chủ cơ sở mầm non tư thục nâng cao chất lượng vì họ kinh doanh cốt để lấy lợi nhuận.

Theo báo Tiền Phong, một bảo mẫu từng làm ở một trường mầm non ở quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, mức lương tại đây từ 3 triệu đồng trở xuống trong khi phải làm việc từ 6h30 sáng đến 18h mỗi ngày. “Lương thấp, không bằng cấp chuyên môn trong khi phải giữ nhiều trẻ một lúc nên việc các bảo mẫu nổi nóng, đánh trẻ là chuyện thường ngày”, bảo mẫu này nói.

Vậy làm thế nào để sắp tới chúng ta không còn phải đau lòng đọc thông tin về những vụ bảo mẫu bạo hành trẻ như ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh vừa qua?

Rõ ràng là công nhân, dân nhập cư đang rất cần những nơi giữ trẻ chi phí vừa phải, phù hợp với mức lương của họ. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì chỉ có các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ là đáp ứng được nhu cầu của đối tượng phụ huynh này.

Để giải quyết được bài toán gửi trẻ cho công nhân và dân nhập cư thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên. Với thực trạng hiện nay ở Việt Nam, nếu đề xuất việc miễn phí gửi trẻ cho công nhân và dân nhập cư nghèo thì có lẽ không thực hiện ngay được. Nhưng giả sử nếu có nhiều bên vào cuộc, xây dựng các cơ sở mầm non cung cấp đủ chỗ cho con công nhân và người nhập cư nghèo, và có sự trợ cấp nhất định nào đó về chi phí gửi trẻ, thì các phụ huynh này có thể gửi con để yên tâm lao động mà không khắc khoải lo lắng con có bị bạo hành không.

Anh Trương Quang Lục, trọ tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM) có con trai gần hai tuổi, con gái năm tuổi đều đang gửi ở lớp tư thục gần nhà, chi phí rẻ hơn các trường tư lớn.

“Dù đi làm nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng lo lắng không biết con ăn uống, nghỉ ngơi ra sao ở trường. Vì vậy, để yên tâm tôi gửi bé nhỏ vào học cùng trường với chị lớn (năm tuổi). Ngày nào tôi cũng dặn cháu thỉnh thoảng chạy xuống xem em thế nào rồi về nói với bố. Năm sau chị lên lớp 1. Tôi chưa biết tính sao đây!” - anh Lục than thở.

(theo báo Pháp luật TPHCM)

Tác giả: Nguyên Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP