Lúc 14h, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,05 - 68,75 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 510.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch mua - bán vàng SJC đang là 700.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI còn đẩy giá vàng SJC lên sát mốc 69 triệu đồng/lượng, quanh 68,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 520.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch mua-bán vàng SJJC đang là 800.000 đồng/lượng.
Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng trong những ngày qua. Đồng thời, biến động này cũng giúp vàng SJC đang ở vùng cao nhất trong năm 2023, vượt cả vùng giá cao của dịp Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng vừa qua).
Giá vàng trong nước tăng mạnh. (Ảnh minh họa: Công Hiếu) |
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng tăng lên 56,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 57,15 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua nhưng không mạnh bằng vàng SJC.
Trong khi giá vàng trong nước tăng mạnh thì giá vàng thế giới lại biến động khá ít. Cụ thể, giá vàng thế giới đang niêm yết trên Kitco ở mức 1.925,3 USD/ounce, tăng 6,4 USD/ounce so với phiên giao dịch trước.
Lý do giá vàng thế giới chưa thể bứt phá được do đang chịu áp lực trong bối cảnh đồng USD giữ vững mức cao nhất kể từ tháng 3/2023 sau khi dữ liệu ngành dịch vụ của Mỹ mạnh hơn so với dự kiến.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm so với mức cao nhất 2 tuần trong phiên trước đó.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Lợi suất trái phiếu toàn cầu đang tăng mạnh và dường như có những lo ngại rằng mối lo ngại về tăng trưởng toàn cầu có thể còn tồi tệ hơn và điều đó khiến mọi người quay trở lại với USD”.
Lý giải về việc giá vàng trong nước tăng cao, các chuyên gia cho rằng, nguồn cung vàng SJC khan hiếm nên chỉ cần sức mua cao hơn sẽ khiến giá vàng tăng mạnh, thậm chí là có tình trạng đẩy giá lên.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi giảm nhanh nên khi tới đáo hạn, họ có thể chuyển một phần sang mua vàng.
Tác giả: NGỌC VY
Nguồn tin: vtc.vn