Giới trẻ

"Giá mà bố hiểu điều này từ khi còn trẻ, thì có lẽ con đã không có đến 5 bà gì ghẻ phải không con?”

“Đôi khi muốn giữ chồng là để cho nó nghi ngờ một chút, ghen tuông một chút. Khi con ăn mặc đẹp đẽ, sạch sẽ từ gót chân hồng, đến móng tay được sơn chuốt tỉ mĩ, quần lót ren màu, lộ liễu trong bộ đồ trắng muốt."

Chẳng là một sớm đầu thu dịu nhẹ, tiết trời Hà Nội vô cùng tươi mát, ông bố luống tuổi trong cơn rảnh rỗi thư thái ngồi thả đầu óc vẩn vơ. Đột nhiên, ông nghĩ đến cô con gái bé bỏng thuở nào tay bế tay bồng đang phải làm dâu khổ cực nơi phương Nam nóng bức. Có lý nào mình đang sung sướng tận hưởng cuộc đời tuyệt diệu như vậy mà con lại phải cam chịu kiếp “bà mẹ bỉm sữa”.

Một ngày đẹp trời, bố ruột viết thư cho con gái. (Ảnh minh hoạ)

Thế rồi ông lão nhớ lại vài ba bữa trước, khi ông “dời nắng vàng rực rỡ, bay vào chốn mưa rơi” vào Nam du hí, trước để nựng hai đứa cháu ngoại, sau để thăm hỏi mẹ chúng nó cho vui. Than ôi, ông không thể nào nhận ra đâu là thiên kim tiểu thư, là lá ngọc cành vàng của mình. Mới có hai mụn con mà nó tiều tuỵ thấy rõ, áo quần xộc xệch như bận Bình Trị Thiên còn khói lửa chiến tranh, tóc tai vổng ngược như bụi tre làng mới nhú, lại chẳng dám mua cái đồ cột tóc cho đàng hoàng, cứ sợi chun tròn cao su mà cột tới cột lui, lôi thôi lếch thếch.

Nhớ hồi còn là thiếu nữ nó ăn ở sạch sẽ lắm cơ mà, một đóm tàn thuốc rơi vãi xuống sàn cũng nhăn nhó đòi bố lượm hết cho bằng được, ngóc ngách nào cũng trang trí bày biện xanh đỏ tím vàng rực rỡ các kiểu. Ấy vậy mà giờ nhìn cái tổ ấm của nó phát chán như lá rụng bên hồ, đơn điệu và lung tung hết lên, đồ đạc đụng đâu đặt đấy, tởm ơi là tởm. Mới “rặn” có hai mụn con chứ mấy, thế mà con gái rượu của ông hoá thành osin lúc nào không biết. Ông giận lắm, quyết định phải la rầy nó vài chập cho bỏ thói đổ đốn.

Cơ mà khi nghe cô con gái tâm sự nỗi uất nghẹn, bao nhiêu lời lẽ đanh thép chuẩn bị sẵn trong bụng ông già mềm nhũn như cọng bún thiu.

“Vì sao con hết lòng vì chồng vì con mà khi về nhà, tình yêu bất diệt của con nó cứ lững lờ, cau có? Trăm công ngàn việc đổ lên đầu, rối nát 2 cánh tay, thâm quầng đôi mắt, lưng oằn mỏi mệt, như bà lão, già nua ốm yếu. Cả ngày con chỉ mong chàng về nở một nụ cười cho con tan hết mệt mỏi, đỡ dần cho con, bế đứa bé, chơi đùa với đứa lớn. Vậy mà có đêm 3 mẹ con ngủ đã lâu mới thấy chồng về, nát nhầu, rũ rượi, đẫm ướt mùi rượu và hương rẻ tiền từ gái làng chơi mạt hạng. Vì sao?”.

Mấy câu hỏi liên tiếp của đứa con gái làm ông bố chết điếng, cứng đờ cuống họng. Không điếng sao được, bởi thằng con rể quý hoá giống y đúc cha vợ thời còn “oanh liệt”.

Trăn trở mãi đến hôm nay, nhân lúc thi hứng đang cuộn trào, ông bèn viết một bức thư chất chứa bao tình cảm, an ủi vỗ về con gái, chỉ con “bí kíp” để vượt qua cơn bi kịch.

Bức thư dạy con gái giữ chồng của ông bố gây sốt cộng đồng mạng.

“Con gái thân yêu.

Con có biết vì sao các con không cùng một mẹ, vì sao các mẹ của con luôn căm giận cha…

Giờ đây bố hiểu, bố chạy theo hết người này đến người khác là do khi lấy về rồi, người tình tuyệt vời mải chăm lo tổ ấm, mà quên chăm sóc chính mình. Ngoài kia hay ngay trong chỗ làm việc, các nàng son phấn, váy bướm tung bay, mượt mà. Những đôi chân trần, nuột nà, khiêu khích, như mời gọi.”

Hoá ra cái yếu điểm đầu tiên của người phụ nữ là quá hi sinh. Cô con gái cũng như bao người mẹ, người vợ khác, khi có gia đình là dành trọn tâm huyết, sức lực xây dựng cho cái tổ ấm của mình thật vững bền. Nhưng vững làm sao nếu một ngày ngó vào trong gương, tự giật thót mình với cái “lão bà” nhăn nhúm, lượm thượm trước mặt. Chẳng phải ngày còn con gái, bao nhiêu quyển truyện ngôn tình sến súa gối đầu giường đều dạy rằng đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà mê mệt bằng lỗ tai đó sao. Không chịu chăm chút dung nhan để làm thoải mái đôi mắt người ta mà đòi nhận lại những câu đường mật ngọt ngào, khác gì “không làm mà muốn có ăn”. Phi lý!

Không để con kịp thất vọng, ông bố ngay lập tức đưa ra giải pháp: “Hãy để chồng con là viên kim cương hay viên ngọc ngà châu báu khi ra đường. Về đến nhà, con phải là bà hoàng hậu, là công chúa xinh đẹp, để chồng luôn muốn quay về”.
Ý ông quá rõ ràng, con hãy cứ làm đẹp mọi lúc, bất cứ nơi đâu. Ông khéo an ủi con, rằng chồng chỉ là cái thứ trang sức của người phụ nữ. Nhưng muốn xứng đáng đeo trên người viên kim cương đắt tiền, bản thân phải tự biến mình trở nên đẳng cấp. Nói cách khác, để thân thể lượm thượm, son phấn chảy tràn cũng đồng nghĩa với việc đã tự mang vật quý của mình ra…tiệm cầm đồ.

Mà không chỉ cần đẹp hay khêu gợi, kinh nghiệm tình trường của ông bố đào hoa còn mách bảo phải biết ghen tuông nữa cơ. Nhưng ghen không phải là bay vào cấu xé đấng phu quân hay cấm tiệt gối chăn các kiểu, ngu xuẩn lắm. Ghen phải có nghệ thuật. Nghệ thuật “chó già giữ xương”.

“Đôi khi muốn giữ chồng là để cho nó nghi ngờ một chút, ghen tuông một chút. Khi con ăn mặc đẹp đẽ, sạch sẽ từ gót chân hồng, đến móng tay được sơn chuốt tỉ mĩ, quần lót ren màu, lộ liễu trong bộ đồ trắng muốt.

Điều cuối cùng bố muốn nói với con: cãi nhau với chồng đôi khi cũng là để giải tỏa tâm lý, làm hâm nóng giận hờn, để sau đó đốt cháy mãnh liệt sự ái ân. Nhưng đừng để đi quá xa. Trong bí quyết cãi nhau với chồng của những cặp gia đình hạnh phúc đến cuối đời là: Đếm từ 1 đến 6 rồi mới đáp trả lời chồng, hay cãi, phân trần… dù con có cáu giận đến mấy cũng phải nhớ con số kỳ diệu này” – ông bố phân tích.

Nhớ nhé các bạn, đếm từ 1 đến 6, để cơn giận nguôi đi, đầu óc thật tỉnh táo rồi mới đáp trả. Vì vợ chồng là duyên phận từ ngàn năm trước. Đừng hấp tấp như 90% những người li dị, “phần đời còn lại chỉ là chấp nhận nhau vì buồn, vì không chịu được cô đơn. Nhạt nhẽo, vô vị lắm”, ông bố trong bức thư bảo thế.

Đang rất tình cảm và tâm lý, ông bố đột ngột chấm hết bức thư một cách ngỡ ngàng: “Giá mà bố hiểu điều này từ khi còn trẻ, thì có lẽ con đã không có đến 5 bà gì ghẻ phải không con”.

Bức thư "bá đạo" khiến nhiều người thích thú, ủng hộ.

Cái kết ấy khiến bao người mới vừa khen ông bố tuyệt vời rút lời không kịp. Sẽ có kẻ thất vọng, số khác lại cười sặc sụa. Đơn giản vì họ đã nhận ra sự thật phũ phàng: Nếu tâm lý và sâu sắc như vậy, sao ông bố không giữ được “những” tình yêu của mình đến tàn đời, mãn kiếp.

Chỉ khi đánh mất rồi, người ta mới trân trọng những gì mình đang có. Chẳng ai thu về điều gì mà không bỏ ra một vài thứ khác. Như người bố này chẳng hạn, những kinh nghiệm ấy được đút kết bằng cả quãng đời thanh xuân cùng sự hiếu cầu giới tính.

Khuyên người thì dễ, tự giữ mình mới khó. Những dòng của ông bố nếu không may lọt vào tay người chồng chẳng khác nào gián tiếp bảo con rể cứ tự tin “khám phá” để ngộ ra chân lý cuộc đời.

Giữ được hạnh phúc gia đình đâu phải dễ! (Ảnh minh hoạ)

Dù bức thư là có thật hay chỉ đơn thuần là những chia sẻ hài hước của một ông bố giàu kinh nghiệm, thì sau những tiếng cười thoải mái, ta cũng nhận ra cuộc đời chẳng có gì hoàn hảo. Và dù có đến 5 dì ghẻ, bà mẹ bỉm sữa trong câu chuyện vẫn là đứa con gái cưng của ông bố trót vướng đường tình duyên lận đận.

Giữ được hạnh phúc gia đình đâu phải dễ!

Tác giả bài viết: minhhoang/theo Mộc Cát

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP