Kinh tế

Giá lợn hơi giảm sâu, vì sao thịt lợn vẫn bán giá "trên trời"?

Giá lợn đang ở vùng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tuy nhiên giá thịt lợn ngoài chợ và trong siêu thị vẫn cao khiến người mua không khỏi băn khoăn.

Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao

Theo Kinh tế & Đô thị, khảo sát giá lợn hơi cả 3 miền thấy, thị trường vẫn chưa dứt đà giảm. Tình hình giao dịch lợn hơi trên thị trường cũng khá chậm, thương lái vẫn tiếp tục chọn lựa lợn đẹp, đồng thời ép giá xuống thấp.

Giá lợn hơn trong tuần mức giao dịch thấp nhất tại khu vực miền Bắc là 49.000 đồng/kg tại Yên Bái, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Cao hơn một giá có Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại trong khu vực miền Bắc duy trì thu mua lợn hơi ở ngưỡng 51.000 đồng/kg.

Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay quay đầu giảm 1.000 đồng/kg, giao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam, giá lợn cũng giảm rải rác ở một số tỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg.

Trái ngược với giá lợn hơi, giá thịt trên thị trường đến tay người tiêu dùng vẫn cố thủ ở mức cao. Cụ thể, giá thịt lợn ngày 7/4 tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội dao động từ 90.000 – 130.000 đồng/kg.

Trong đó đắt nhất là thịt ba chỉ có giá 130.000 đồng/kg. Còn tại các siêu thị, giá thịt lợn phổ biến khoảng 130.000 - 182.000 đồng/kg, thậm chí có loại còn gần 240.000 đồng/kg.

Nghịch lý trên khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc. Chị Nguyễn Thị Hương, người dân ở Hà Đông than thở: “Ngày nào tôi đọc báo, xem ti vi cũng nói giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi thua lỗ. Nhưng mấy tháng nay tôi không thấy giá lợn thịt ngoài chợ giảm đồng nào”.

Theo khảo sát Thời Báo Tài Chính, sáng ngày 7/4, giá thịt lợn mát Meat Deli tiếp tục đứng yên tại thời điểm khảo sát lúc 6h20. Hiện, các sản phẩm thịt lợn được bán với giá trong khoảng 91.922 - 147.922 đồng/kg, trong đó các loại đang được giảm giá 20% theo chương trình ưu đãi dành cho hội viên của WinMart.

Giá thịt lợn tại Công ty Thực phẩm tươi sống Hà Hiền giữ mức không đổi tại thời điểm khảo sát lúc 6h25. Hiện, các sản phẩm thịt heo được bán trong khoảng 55.000 - 148.000 đồng/kg.

Lý giải về việc giữ giá bán thịt lợn, anh Phạm Văn Công, tiểu thương bán thịt tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) cho rằng, hiện tại không cơ quan chức năng nào quy định giá bán lẻ thịt lợn ngoài chợ. Giá cả là do người bán tự cân đối khi nhập hàng và tự thỏa thuận ngầm với nhau, nhìn nhau mà bán.

Cũng theo anh Công, giá lợn mảnh thường có độ trễ nhất định so với giá lợn hơi, do lợn hơi từ chuồng phải qua tay nhiều khâu mới phân phối ra thị trường. Và chỉ khi các khâu trung gian hạn chế “ăn dày” thì mới có thể cải thiện được thực trạng giá thịt lợn luôn đắt hơn rất nhiều so với giá lợn hơi.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, việc giá thịt lợn bán lẻ neo cao, không giảm theo giá lợn hơi nghĩa là lợi nhuận chủ yếu về tay các tiểu thương bán buôn. Để kéo giá thịt lợn về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt lợn đúng giá, cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt thì cơ quan chức năng nhất định phải có cơ chế quản lý các khâu trung gian. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi trường hợp có dấu hiệu trục lợi.

Theo một vị chuyên gia, một nguyên nhân nữa khiến giá thịt lợn trên thị trường không tăng, giảm theo quy luật đó là do hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy vẫn diễn ra việc ép giá, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian.

Bên cạnh đó PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, việc giá thịt lợn bán lẻ neo cao, không giảm theo giá lợn hơi nghĩa là lợi nhuận chủ yếu về tay các tiểu thương bán buôn.

TS. Cấn Văn Lực từng chỉ ra những “điểm nghẽn” trong câu chuyện này chính là chi phí ở khâu trung gian. Điểm thứ hai cũng rất quan trọng đó là văn hóa kinh doanh.

“Nông dân luôn là người yếu thế, nhiều khi bị các lái buôn ép giá. Câu chuyện này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng và rõ ràng là cần phải có biện pháp chế tài xử lý tình trạng thật nghiêm”, vị chuyên gia nói.

Các chuyên gia khẳng định, để kéo giá thịt lợn về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt lợn đúng giá cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt thì cơ quan chức năng nhất định phải có cơ chế “dẹp loạn" các khâu trung gian, bằng biện pháp hành chính nghiêm khắc. Ngoài ra, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống, phát huy vai trò của các hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội chăn nuôi, hội phụ nữ ở các chợ…để người bán nhận thức, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

"Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi trường hợp có dấu hiệu trục lợi", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Còn chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: "Chỉ khi các khâu trung gian hạn chế "ăn dày" thì mới có thể cải thiện được thực trạng giá thịt lợn luôn đắt hơn rất nhiều so với giá lợn hơi".

Giá heo hơi giảm sâu nhưng giá thịt heo ở chợ vẫn đứng yên. Ảnh minh họa.

Giá lợn hơn giảm sâu khiến người chăn nuôi lo lắng

Trả lời VTC News về nguyên nhân giá lợn hơi giảm, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá lợn hơi xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu thiêu thụ thịt lợn giảm mạnh. Cùng với đó lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể.

“Ở Việt Nam hiện có khoảng 27- 28 triệu con lợn/100 triệu dân thì không thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Nhưng thời gian qua sức mua giảm do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới nên đã tác động tiêu cực tới việc thiêu thụ thịt lợn”, ông Thắng nói.

Khoảng mấy tháng nay, giá lợn hơi liên tục trên đà giảm, từ 65.000 đồng/kg xuống chỉ còn sấp sỉ 50.000 đồng/kg.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề giá lợn giảm sau, gia đình ông Nguyễn Văn Trúc, ở đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đứng ngồi không yên. Đàn lợn 30 con được xem là nguồn kinh tế chính của gia đình, nhưng nay không dám bán vì giá quá thấp, mà để lại nuôi thì càng nuôi sẽ càng lỗ. Ông Trúc cho biết, mỗi ngày đàn lợn ăn hết khoảng 3 bao cám, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại đang tăng cao, nên gia đình đang phải cầm cự rất khó khăn.

“Thị trường bây giờ cứ nuôi là lỗ, xuống đến 50.000 đồng/kg là lỗ rồi. Giá lợn từ 62.000 đồng/kg rồi cứ xuống dần dần, bây giờ họ chỉ bắt với giá 50.000 đồng/Kg, mà giá này thì người dân không thể có lãi. Đấy là may mắn chưa có sự rủi ro, ví dụ đàn lợn 15 con mà chết mất 1 con là lỗ nặng rồi”, ông Trúc chia sẻ.

Ông Vũ Duy Dũng, cán bộ phòng kinh doanh, Công ty thức ăn chăn nuôi Vina Hà Nam đang phụ trách tỉnh Điện Biên cho biết trên VOV: Giá thức ăn chăn nuôi có đà tăng từ cuối năm 2022, đạt đỉnh vào cuối tháng 12. Kể từ đó đến nay, giá vẫn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Thời điểm này, các trại chăn nuôi đều gặp khó khăn, thua lỗ. Các công ty kinh doanh mặt hàng cám lợn hiện chưa có kế hoạch điều chỉnh giá, song cũng đang đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người chăn nuôi.

“Thời điểm này, đa phần các trại chăn nuôi đều khó khăn và đang thua lỗ. Các công ty cũng chưa có dấu hiệu giảm giá vì giá nguyên liệu vẫn cao. Nhưng để hỗ trợ cho người chăn nuôi thì các công ty cũng đều có những chính sách hỗ trợ riêng ví dụ như tặng bao hay giảm giá thành trên một số sản phẩm chăn nuôi riêng liên quan đến lợn. Ngay như bên tôi cũng đang hỗ trợ người dân nếu lấy 30 bao cám sẽ tặng 1 bao”, ông Dũng nói.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP