Dừa ở Bến Tre khô rụng quanh vườn do nông dân chờ lên giá. Ảnh: Hoàng Nam. |
Những ngày qua, vườn dừa 2 ha của bà Võ Thị Mỹ (Giồng Trôm) đã đến lứa thu hoạch, nhưng chủ vườn vẫn còn để trái trên cây chưa hái vì giá quá thấp.
"Tôi trồng dừa trên 10 năm nhưng chưa có năm nào giá lại rớt thê thảm như năm nay. Thời điểm này năm trước, mỗi chục dừa khô 12 trái giá 70.000 - 80.000 đồng, đỉnh điểm là 170.000 đồng. Ba tháng nay, giá dừa giảm còn 35.000 đồng mỗi chục nhưng vẫn không có thương lái đến vườn mua", bà Mỹ chia sẻ.
Trước tình trạng này, nhiều nông dân Bến Tre chỉ còn cách cố "neo" dừa trên cây chờ lên giá, nhiều quả khô quá lứa thu hoạch rụng và lên chồi đầy vườn. Theo cách tính của người dân, do dừa bỏ ít công, chi phí chăm sóc, nên mỗi ha dừa một năm nông dân thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng. "Tuy nhiên, năm nay, đa số người dân đều méo mặt vì thu nhập giảm phân nửa", bà Mỹ nói
Thu nhập từ dừa năm nay của người dân Bến Tre giảm còn phân nửa. Ảnh: Hoàng Nam. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trung Chương - Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết, tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, giá dừa tại Bến Tre đều giảm.
"Thời điểm này hàng năm là đến vụ thu hoạch dừa tại các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, họ có diện tích dừa khoảng 3 triệu ha. Trong khi Việt Nam chỉ 150.000 ha và Bến Tre khoảng 71.000 ha, việc bị ảnh hưởng giá do cung vượt cầu là điều dễ hiểu", ông Chương nói.
Hiện sản lượng dừa tại Bến Tre khoảng 570 triệu trái mỗi năm. Bình quân, mỗi hộ dân tại tỉnh có khoảng 3.000 - 4.000 m2 vườn dừa, vòng đời của cây này khoảng 70 năm, trong đó, công chăm sóc chỉ bằng một phần ba so với các loại cây trồng khác.
Khi đặt vấn đề người dân nhiều nơi đang lo thực trạng nông sản bị phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, trong đó có Trung Quốc, ông Chương cho biết, hiện Bến Tre có 24 tổ hợp tác, 10 tổ liên kết và 3 hợp tác xã trồng và tiêu thụ dừa. Theo thống kê, sản lượng dừa trên thế giới trong vòng 10 năm qua tăng chưa được 1%, nhưng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ dừa lại tăng 10%.
Hiệp hội Dừa nhận định rớt giá là do quy luật thị trường. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Chúng ta đang hướng đến thị trường châu Âu, trong đó có Mỹ chứ không chỉ ở các nước khu vực. Người dân không nên quá lo lắng vì nhu cầu vẫn đang còn lớn trong 5 - 10 năm tới, giá thấp nhưng qua tính toán, trừ chi phí nông dân vẫn có lợi nhuận chứ chưa thua lỗ", ông Chương cho biết.
Tác giả: Hoàng Nam
Nguồn tin: Báo VnExpress