Xã hội

Gấp rút chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho rằng trước đây công tác chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không như mong đợi. Do đó, cần bắt tay phối hợp làm ngay, không nên bàn cãi nữa.

Ngày 7/6, Sở Giao thông vận tải TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp đánh giá về công tác chống ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Kênh A41 bị lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy khi ra hệ thống thoát nước đường Cộng Hòa


Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hệ thống thoát nước không chỉ bị lấn chiếm bên ngoài mà bên trong sân bay cũng còn nhiều vấn đề bất cập.

Cụ thể, tuyến cống D1000, từ khu vực Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản có nhiều đoạn thoát nước kém do vướng chất thải xây dựng của nhiều đơn vị. Đáng chú ý, đoạn mương hở phía sau Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Tân Bình cho rằng, hệ thống thoát nước phía trong sân bay Tân Sơn Nhất không đồng bộ, việc kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài chưa tốt.

Trong đó, khu vực đỗ máy bay trong sân bay mặc dù cao hơn đường Phan Thúc Duyện (thoát nước theo kênh A41) nhưng nước không thể chảy tràn ra ngoài, do nhiều công trình cản trở. Ngoài ra, cống bên trong sân bay thấp hơn bên ngoài nên không đảm bảo thoát nước…

Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất – cho biết sân bay bị ngập ở khu vực bãi đỗ nhưng đường băng không bị ngập, đảm bảo máy bay cất/hạ cánh. Khu vực bãi đỗ được đầu tư 2 máy bơm công suất lớn (750 m3/h) để giải quyết ngập.

Ông Tiến đề nghị thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát nước ngoài tường rào sân bay, sớm giải tỏa tình trạng lấn chiếm kênh, xử lý nghiêm hành vi xả rác xuống kênh; thay thế một số cống cũ không đảm bảo thoát nước.

Cũng theo ông Tiến, khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất có các cơ quan, đơn vị nên cần phải có đầu mối làm “nhạc trưởng” giải quyết ngập.

Kênh Hy Vọng chưa thể cải tạo vì thiếu kinh phí


Trong khi đó, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam – cho rằng trước đây, công tác chống ngập làm nhỏ lẻ, địa phương làm phần địa phương, ngành hàng không làm của ngành hàng không nên kết quả không như mong đợi. Khi mở rộng các sân đỗ, khả năng nước thẩm thấu tự nhiên hạn chế hơn trước sẽ khiến sân bay có nguy cơ ngập khi mưa lớn.

Do đó, ông Cường cho rằng cần bắt tay làm ngay giải quyết ngập cho sân bay. Lãnh đạo Cục Hàng không sẽ chỉ đạo xử lý dứt diểm ngập trong sân bay. Theo ông, nếu bên trong sân bay làm tốt mà bên ngoài làm không tốt thì chống ngập cũng không hiệu quả.

Ôn Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM – đề nghị quận Tân Bình cần đẩy nhanh công tác cải tạo kênh A41, đồng thời gắn camera để giám sát tình trạng xả rác xuống kênh. Cùng với đó, bên trong sân bay phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp chống ngập.

Tất cả hệ thống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất luôn đối diện với vấn đề rác thải. Trong ảnh: rác thải ngập ngụa kênh Hy Vọng


Tại đây, ông Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo thành lập một nhóm phối hợp giải quyết việc thoát nước bên ngoài sân bay gồm Phòng thoát nước thuộc Sở GTVT TP, Trung tâm chống ngập TP, Khu quản lý giao thông đô thị số 1, đại diện UBND quận Tân Bình…

Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước gồm kênh A41, kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản. Trong đó, dự án cải tạo kênh A41 đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Công tác nạo vét kênh Hy Vọng cũng chưa hoàn thành vì vướng vấn đề kinh phí. Mương Nhật Bản thì mới hoàn thành được được 1 nhánh, nhánh 2 còn phải đầu tư nâng cấp mới đảm bảo thoát nước. Do đó, mùa mưa năm nay, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đối diện với nguy cơ ngập.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP