Kinh tế

Gặp cú sốc, tập đoàn nhà nước viết đơn xin hỗ trợ

Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nếu không được hỗ trợ về thị trường, vốn rẻ, lao động thì cơ bản hoạt động kém hiệu quả hơn so với DN tư nhân. Đặc biệt, những DN hoạt động kinh doanh trong ngành có sự bao cấp của nhà nước, nếu gặp các cú sốc thị trường xảy ra thì DN ấy rất dễ thua lỗ. Khi đó, với thói quen dựa dẫm, các DN lại tìm đủ mọi cách để xin nhà nước hỗ trợ.

Tập đoàn nhà nước hụt hơi

Nhiều DNNN hiện nay cũng đang chật vật với những khoản thua lỗ nghìn tỷ, các dự án sa lầy và chờ sự trợ giúp của Chính phủ.

Kinh doanh trong ngành lợi thế, được nhiều ưu đãi nhưng Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi. Từ vị thế một trụ cột trong xuất khẩu nông sản, DN này thành một 'cục nợ' và bị đưa vào diện giám sát đặc biệt…

Ngay cả Lọc dầu Dung Quất cũng đứng trước tình huống khó khăn khi cánh cửa hội nhập được mở toang. Suốt 2015 cho đến giữa 2016, Lọc dầu Dung Quất phải đứng trước lựa chọn sống còn vì những ưu đãi bỗng trở thành “bạc đãi” khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường ASEAN, Hàn Quốc giảm mạnh. Dung Quất không bán được hàng do giá cao hơn hàng nhập khẩu.


Chính lãnh đạo nhà máy đã phải kêu than về nguy cơ đóng cửa khi kiến nghị Chính phủ các phương án giải cứu. Hơn 1 năm bàn thảo, mới đây dự án này đã có lối thoát khi Chính phủ đồng ý một cơ chế về giá bán để ổn định hoạt động nhà máy.

Ngay cả Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam - Vinacomin cũng không tránh khỏi những cú sốc của một thị trường đầy biến động. Từ 2015 đến nay, Vinacomin liên tục kiến nghị các bộ ngành, Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Việc tiêu thụ than đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi giá xuất khẩu giảm, lượng than tồn kho tính đến tháng 6/2016 đã gần 10 triệu tấn.

Trước đó, cùng thời với “con tàu đắm” Vinashin, những dự án xi măng hàng nghìn tỷ được Chính phủ bảo lãnh vay cũng không thể tồn tại nổi, lâm vào thua lỗ.

Trong một báo cáo về tình hình bảo lãnh Chính phủ cho những dự án của nhiều DNNN, Bộ Tài chính đã “điểm mặt” các dự án như Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Sông Thao không đáp ứng nghĩa vụ tài chính. Bộ Tài chính vẫn đang phải đôn đốc tái cơ cấu và thường xuyên báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của các DN này. Còn Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ năm 2008 không trả được nợ và đến nay, có nguy cơ hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

Tất cả nhưng trường hợp trên khi đối mặt với khó khăn đều tìm cách xin hỗ trợ. Ít thì xin cơ chế để giãn nợ, giảm thuế, nhiều thì trả nợ thay, thậm chí đổ bể thì gán cả đống nợ chục ngàn tỷ mặc Chính phủ lo.

Kiểm toán Nhà nước, khi điểm danh hoạt động của những DN có vốn nhà nước, cũng liệt kê một loạt cái tên gây thua lỗ, mất vốn. Chẳng hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng.

Hay Công ty mẹ Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con thì có tới 6 công ty thua lỗ với 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL, Cổ phần Khóa Minh Khai. Còn Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tới 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng.

Được bao bọc thì dễ tổn thương

Mỗi dự án thất bại đều có những điểm riêng. Nhưng lại có những điểm chung khi sinh ra trong cùng một cơ chế của DNNN.

Lý giải nguyên nhân sâu xa khiến nhiều DNNN hụt hơi, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng: Thực tiễn đã chứng minh ở khắp nơi trên thế giới và cả Việt Nam, rằng DNNN nếu không được hỗ trợ của Nhà nước, về thị trường, vốn rẻ, lao động thì cơ bản DNNN sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn so với DN tư nhân trong cùng một thị trường. Nguyên do người ta nói rất nhiều, đơn giản là cách thức vận hành của DNNN mang tính chất hành chính.


Theo chuyên gia này, trong nền kinh tế thị trường, những DN dạng này đã chịu áp lực nhất định, đã có sự thay đổi cơ chế vận hành của một DN trong kinh tế thị trường. Thế nhưng nó vẫn có tính sao chép, rập khuôn chứ không phải phát triển thực chất từ nhu cầu, sức ép của thị trường.

“Cách thức quản trị theo kiểu hành chính dẫn đến bộ máy cồng kềnh, ra quyết định chậm chạp, nói chung khả năng chớp cơ hội khó khăn hơn nhiều”, ông Đinh Tuấn Minh phân tích.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành cho rằng: DN là DN, công chức là công chức. Nhưng chúng ta lại chuyển mấy công chức đi làm DN. Những DNNN ấy chưa chịu học để thích ứng tư duy của một nền kinh tế thị trường. Cho nên vẫn chung sống trong tư duy bao cấp.

“Có bay ra sống, hoạt động như một con chim tự do bay nhảy với thiên hạ đâu. Sống trong bao bọc trong cái lồng của ông bao cấp thì sẽ thua lỗ”, ông Bùi Kiến Thành chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, đáng ra DNNN chỉ nên làm những lĩnh vực có tính chất dịch vụ công cho nhân dân như như điện, nước, dịch vụ công cộng. Còn những lĩnh vực thuần túy kinh tế, làm ra sản phẩm để bán lấy lời thì nên để tư nhân gánh vác.

Khi nhắc đến những dự án kiểu như gang thép Thái Nguyên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbight cũng chỉ thẳng: Rõ ràng yếu kém của DN là do bản thân DN, chứ không phải do thị trường. Tại sao đều hoạt động trong ngành thép, đều sử dụng công nghệ lò cao để luyện quặng, trong khi Tập đoàn Hòa Phát tăng trưởng cao, còn anh thua lỗ? Vấn đề là do sự yếu kém, không nên đổ lỗi cho khách quan.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, những DN hoạt động kinh doanh trong ngành có sự bao cấp mạnh của nhà nước, nếu gặp các cú sốc thị trường xảy ra thì DN ấy rất dễ thua lỗ. Khi đó, họ sẽ tìm cách dựa vào nhà nước hỗ trợ.

Và các tốt nhất để các DN này mạnh lên là phải đặt nó vào môi trường cạnh tranh. Đẩy mạnh cổ phần hóa và bán vốn để nhà nước rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết, dành không gian phát triển cho kinh tế tư nhân.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP