Mercedes-Benz GLC liên tiếp bị triệu hồi tại Việt Nam. |
Đợt triệu hồi lần này của Mercedes-Benz gồm toàn bộ các mẫu GLC, gồm: GLC 200, GLC 250 4MATIC, GLC 300 4MATIC trong thời gian sản xuất từ 03/2016 đến 02/2018. Toàn bộ lô xe này được Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) lắp ráp tại nhà máy đặt tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM và đã phân phối đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Con số 4.802 xe Mercedes-Benz GLC trong đợt triệu hồi lần này chiếm 96% lượng xe bán ra bởi tính đến thời điểm hiện đã đã có khoảng 5.000 xe được đưa tới khách hàng.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này là khóa gài trên dây đai an toàn ở hai ghế bên phía sau có thể bị kéo rút vào khe rãnh giữa tấm ốp cột C và tấm ốp hông phía sau, không thể lấy ra được nếu không có sự trợ giúp. Nguyên nhân được xác định là do lỗi thiết kế của các tấm ốp phía sau; sự cố này chỉ có thể xảy ra trong quá trình kéo/thả dây an toàn. Điều này có thể khiến các hành khách ngồi trên ghế bị lỗi không thắt được dây đai an toàn, dẫn đến các chấn thương khi xe đi trên đường.
Vào tháng 4/2016 mẫu SUV hạng sang Mercedes-Benz GLC chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với hai phiên bản GLC 250 4MATIC và GLC 300 AMG 4MATIC. Sau đó gần 2 năm, vào tháng 5/2018 phiên bản GLC giá "mềm" nhất chính thức trình làng khách Việt.
Lỗi dây đai an toàn buộc phải triệu hồi các dòng xe Mercedes không chỉ có GLC mà trước đó vào tháng 4/2018, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã phê duyệt đợt triệu hồi 384 xe Mercedes-Benz E-Class bao gồm E 200, E 250 và E 300 được sản xuất từ tháng 8/2016 cho đến tháng 4/2017. Nội dung triệu hồi nhằm thay cụm dây đai an toàn cho ghế sau bên trái và bên phải (gồm dây đai an toàn, bộ căng đai và ngòi nổ).
Mercedes GLC từng được ghi nhận cháy khoang động cơ tại Việt Nam. |
Sau đó ít ngày là đợt triệu hồi mở rộng do lỗi cầu chì trước đây đối với hàng loạt dòng xe của MBV là C 200, C 250, C 300, E 300 và GLC 250 4MATIC, GLC 300 4MATIC có thời gian sản xuất từ tháng 09/2015 đến 02/2017. Đây là lỗi khá nguy hiểm có nguy cơ làm cho bộ giới hạn dòng khởi động bị quá nhiệt, gây cháy các chi tiết và do đó có thể gây cháy xe nếu khách hàng thao tác không chuẩn. Số lượng triệu hồi do lỗi cầu chì lần này là 3.624 xe, lớn hơn rất nhiều con số hơn 1.000 xe lần đầu tiên.
Trước đó vào tháng 3/2016, MBV từng phải tiến hành triệu hồi đối với 1.175 chiếc C200K và C230 (W204) để thực hiện sửa chữa lỗi ở hộp điều khiển túi khí (SRC) trên xe. Số lượng xe nằm trong diện bị ảnh hưởng gồm C200K và C230 (W204) sản xuất từ năm 2006 đến 2009. Tháng 5/2015, MBV cùng lúc phải triệu hồi đối với 7 dòng xe gồm cả lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc do liên quan tới lỗi kỹ thuật ở khoang động cơ.
Dẫu biết việc triều hồi là hành động văn minh, thể hiện sự chuyên nghiệp, hệ thống quản lý giám sát tiên tiến của hãng và hơn hết vì sự an toàn của khách hàng. Thế nhưng với thương hiệu xe sang hàng đầu thế giới, bán chạy bậc nhất Việt Nam như Mercedes thì việc liên tiếp dính triệu hồi hàng ngàn xe vì những lỗi rất nguy hiểm như cháy nổ cầu chì, dây đai an toàn thì liệu hình tượng xe Đức sang trọng, đẳng cấp và an toàn có còn nguyên vẹn. |
Tác giả: HOÀNG SƠN
Nguồn tin: Báo Người đưa tin