Kinh tế

Gần 80% DN châu Âu tại Việt Nam 'đuối sức' khi kéo dài giãn cách

Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian giãn cách xã hội vừa được Eurocham vừa công bố.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thành viên cho thấy, Chỉ số BCI đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Cụ thể, có tới 76% doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt trong 3 tháng qua (tháng 6-8/2021), trong đó 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ "rất tệ". Chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này.

Đến nay, các nhà đầu tư EU đã có hơn 2.000 dự án tại Việt Nam. Ảnh: Minh họa.

Dự kiến, tình hình kinh doanh của họ dự kiến cũng "chỉ khá hơn một chút" trong 3 tháng tới. Nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tốt.

Nguyên nhân chính được Eurocham chỉ ra là do hạn chế về vận tải, cung ứng hàng hóa (71%) và điều kiện thị trường (51%).

Khảo sát của EuroCham cũng cho thấy, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó khi duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ". Khó khăn chủ yếu họ gặp phải là chi phí tăng cao, ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý người lao động.

"71% doanh nghiệp cho biết công nhân muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy. 59% doanh nghiệp phàn nàn về chi phí cho "3 tại chỗ" quá tốn kém. 43% doanh nghiệp không đủ không gian, diện tích để duy trì "3 tại chỗ".

Ngoài ra, hơn một nửa doanh nghiệp cho hay, không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc họ cần làm gì trong trường hợp xuất hiện các ca F0 tại nhà máy. Còn gần 2/3 doanh nghiệp đề nghị cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định", EuroCham thông tin.

Trước thực tế trên, EuroCham đánh giá: "Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực".

Bởi vậy, theo EuroCham, họ cần một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; Cùng một giải pháp giải quyết các rào cản với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để tính khởi động trở lại việc kinh doanh.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiêm chủng, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh, thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP