Kinh tế

Gần 18.000 tỉ đồng trữ hàng Tết

Doanh nghiệp đã chuẩn bị xong phương án sản xuất, kinh doanh để khai thác tối đa cơ hội bán hàng lớn nhất trong năm

Tết dương lịch và Tết nguyên đán cách nhau 1 tháng rưỡi, thời gian nghỉ Tết dự kiến khoảng 7 ngày, giới kinh doanh đánh giá nhu cầu mua sắm dịp này sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2-2018.

Sản lượng tăng ít nhất 10%-30%

Từ đầu tháng 10-2017, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tính toán phương án kinh doanh hàng Tết Mậu Tuất 2018. Hầu hết DN lên kế hoạch tăng sản lượng 10%-30% so với Tết 2017 do kỳ vọng người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua sắm.

Là một trong những DN khởi động phương án kinh doanh mùa Tết khá sớm, Sài Gòn Food đã chuẩn bị hơn 800 tấn thành phẩm, sẵn sàng cho thị trường với mức tăng trưởng 2,5 lần. Công ty Vissan xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn thịt heo và bò tươi sống, tăng 30%; trên 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại, tăng 15%. Hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM chưa công bố kế hoạch hàng Tết nhưng bước đầu, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 2-3 lần về lượng so với ngày thường.

Các doanh nghiệp kỳ vọng sức mua trong dịp Tết 2018 sẽ tăng hơn năm trướcẢnh: Hoàng Triều

Cũng như mọi năm, năm nay, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cung ứng khoảng 30%-40% thị phần hàng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng TP, các DN khác chiếm 10%-20% thị phần, còn lại là chợ đầu mối. Đến nay, các DN đã chuẩn bị hơn 17.800 tỉ đồng sản xuất, dự trữ hàng hóa cho 2 tháng Tết, tăng 743,3 tỉ đồng so với năm trước. Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường chiếm hơn 7.000 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, DN chuẩn bị 10.000 tỉ đồng hàng hóa, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết lượng hàng chuẩn bị trong dịp Tết tăng 12%- 15% so kế hoạch TP giao và tăng 20%-30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32%-55% thị trường như thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)... Theo tính toán, TP HCM sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh kẹo, 600.000-700.000 chậu mai, 250.000-300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại... trong Tết này. Khoảng 41,1 triệu lít bia, 57,2 triệu lít nước giải khát cũng dự báo sẽ tiêu thụ hết trong tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng bình thường.

Hàng hóa dồi dào kèm khuyến mại

Những năm trở lại đây, nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào, cùng các hoạt động khuyến mại giảm giá diễn ra liên tục trong năm. Càng về cuối năm, hoạt động khuyến mại, giảm giá càng diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, trong tháng cao điểm Tết năm nay, các DN sẽ tổ chức hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... giá trị khoảng 1.200 tỉ đồng. Trong đó, khuyến mại đậm nhất sẽ diễn ra tại các điểm bán của các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC...

Nhiều DN bánh kẹo, thực phẩm chủ động tung ra một số sản phẩm mới cho thị trường Tết. Công ty Vissan bổ sung thêm 17 sản phẩm mới, như gà sấy lá chanh, chả giò tôm cua đặc biệt, lạp xưởng tôm đặc biệt, lạp xưởng bò, giò lụa lá chuối, bò trộn lá lốt... vào danh mục hàng Tết. Công ty CP Saigon Food cũng chào bán 16 sản phẩm mới từ tháng 12-2017, gồm lẩu, cá viên phối trộn và có nhân các loại, cá sa ba Na Uy, cháo tươi có thêm 4 vị mới và món cơm chiên chế biến sẵn. Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan: "Chưa bao giờ Vissan phải làm khuyến mại nhiều như năm nay vì sức mua quá chậm. Chúng tôi phải nỗ lực mở rộng thị trường để bảo đảm mục tiêu tăng sản lượng. Từ giờ đến cuối năm, tùy tình hình, nếu sức mua không cải thiện thì phải tính cách đẩy hàng ra thị trường".

Mức tiêu thụ hàng hóa chậm không chỉ xảy ra ở nhóm hàng thực phẩm mà là diễn biến chung của nhiều ngành hàng. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, lượng hàng tồn của các DN bia rất cao nên khó có khả năng tăng giá mặt hàng này trong dịp Tết vì tăng sẽ khó cạnh tranh.

Hàng thực phẩm giảm giá

Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, chỉ số giá nhóm thực phẩm trên địa bàn TP HCM giảm 2,08%, chủ yếu nhờ tác động của một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường. Cụ thể, thịt gia súc giảm 8,54%-10,54%; thịt gia cầm giảm 0,24%-3,39%; trứng gia cầm giảm 1,55%-6,08%; thủy sản tươi sống giảm 0,75%-7,6%; trái cây các loại giảm 0,03%-3,74%; đường các loại giảm 0,77%..., các mặt hàng còn lại tương đối ổn định. Bà Nguyễn Huỳnh Trang nhận định thời gian qua, một số mặt hàng như thịt heo, thịt gà… có hiện tượng giảm giá do thừa nguồn cung. Tình trạng này diễn biến trên phạm vi cả nước. Từ nay đến Tết, TP HCM tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Năm nay là năm thứ 3, các DN tham gia bình ổn thị trường cam kết giữ giá trong 2 tháng trước và sau Tết (từ ngày 15-1 đến hết ngày 15-3-2018), đồng thời giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP