Danh sách các đơn vị, doanh nghiệp này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH Đà Nẵng (website:https://danang.baohiemxahoi.gov.vn).
Ảnh minh họa. |
Các doanh nghiệp nêu trên nợ đóng tiền bảo hiểm hàng trăm đến hàng tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong gần 170 đơn vị, có Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng nợ bảo hiểm xã hội lên đến hơn 8,1 tỷ đồng; tiếp theo là Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng nợ gần 6,7 tỷ đồng; Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD nợ hơn 5,1 tỷ đồng,…
Trong những công ty nợ đóng BHXH có những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán như: Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE); Công ty CP Lilama 7 (HNX: LM7); Công ty CP Danh khôi Miền trung, Công ty CP Du lịch Việt Nam – VITOURS;…
Bên cạnh những doanh nghiệp có số nợ lớn, cũng có những doanh nghiệp nợ chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng thời gian nợ rất dài, dẫn tới tình trạng nhiều người lao động không được hưởng chế độ trợ cấp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không còn là câu chuyện mới, thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy đến cuối năm 2021, tổng số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ rất khó đòi do hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn... Do đó, quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn người lao động có nguy cơ bị mất trắng.
Trong khi đó, theo Bộ Lao động thương binh xã hội, kết quả xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.
Tác giả: Đan Chi
Nguồn tin: kinhtechungkhoan.vn