Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Đại Từ (Hoàng Mai), Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Nghĩa Tân (Cầu Giấy),... cho thấy, ngoài những hàng bán gà vịt mổ sẵn, mỗi chợ còn có đến hàng chục hàng bán gia cầm sống. Chúng được nhốt trong lồng, đặt thẳng xuống đất bất chấp nền đất ướt nhẹp xen lẫn với các mặt hàng rau quả, thịt lợn, cá,... Khu giết mổ thì nhếch nhác, gà vịt, nội tạng vứt toẹt dưới nền đất.
Thế nhưng, lượng khách mua gia cầm sống tại chợ lại đông hơn hẳn, đặc biệt vào những ngày lễ Tết, mùng một hay rằm. Để mua được một con gà, vịt giết mổ tại chỗ về ăn, khách phải chờ ít nhất 15 phút, không thì cả tiếng đồng hồ, mới đến lượt.
Theo chị Nga, khách hàng hiện nay vẫn đa phần chọn gà sống rồi nhờ người bán giết mổ trực tiếp tại chỗ để đảm bảo gà tươi ngon. Họ thích mua theo kiểu mắt thấy tay sờ được, còn loại gà giết mổ sẵn họ sợ mua phải gà bệnh, gà thải loại đội lốt, gà đông lạnh cũ,...
“Nói thế thôi chứ tôi bán gà ở đây cả 30 năm nay có thấy cán bộ nào đến kiểm tra chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn kinh doanh đâu. Quy định đó toàn trên giấy thôi chứ làm sao thực hiện được ở hết các chợ như thế này”, bà Nga nói.
Tương tự, trả lời về điều kiện chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm tại chợ phải có giấy khám sức khỏe, bà Nguyễn Thị Tám - tiểu thương bán gia cầm tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội) cho hay bà không quan tâm tới mấy điều kiện này, bởi không có đủ sức khỏe thì làm sao đứng bán gà từ sáng tới tối được.
Ngay cả chuyện Bộ Công Thương khuyến khích không bán gia cầm chưa giết mổ tại chợ bà cũng nghĩ đó là chuyện rất khó, vì bao nhiêu năm nay, dân Việt quen mua gà sống, thích gà sống, đặc biệt là khi mua gà về làm lễ.
“Sao lại cấm bán gà sống? Nếu muốn quản lý nguồn gốc, dịch bệnh thì phải quản ở chợ đầu mối. Hiện nay, chợ đầu mối vẫn có cán bộ kiểm dịch. Gà muốn vào chợ đầu mối phải qua khâu kiểm dịch của cán bộ thú y. Mà tiểu thương chợ lẻ thì đến chợ đầu mối lấy gà về bán”, bà Tám thắc mắc.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng thì lại lo lắng, nếu cấm bán gia cầm sống chưa qua giết mổ thì họ biết mua ở đâu, chẳng lẽ nửa đêm gà gáy lại phải đi chợ đầu mối mua hay đi xe về tận các trang trại để bắt 1-2 con gà, vịt về thịt?.
“Nhà tôi mua gà sống rồi nhờ người bán làm thịt luôn cho, đặc biệt là gà cúng, như mới đảm bảo”, chị Lê Thanh Tâm ở khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Trả lời PV.VietNamnet, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm mà cơ quan này đang lấy ý kiến, chỉ có tính chất khuyến khích áp dụng.
“Cần phân biệt rõ quy chuẩn và tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là để khuyến khích các tổ chức cá nhân áp dụng. Quy chuẩn quốc gia là ban hành, áp dụng ngay, không thì sẽ phải đóng cửa”, đại diện Bộ Công Thương giải thích.
Như vậy, tiêu chuẩn về kinh doanh thực phẩm trong chợ truyền thống chỉ mang tính khuyến khích, nhằm đảm bảo kinh doanh sạch sẽ, an toàn hơn với người tiêu dùng, không có tính cấm đoán.
Tuy nhiên, mong muốn của Bộ Công Thương không dễ thực hiện. 10 năm trước, việc này đã được bàn tới bàn lui song cũng không thực hiện được.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: Đây là ý tưởng hay, nhằm đưa chợ truyền thống đi vào khuôn khổ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm hơn. Tuy nhiên, hiện nay, 80-90% người tiêu dùng có thói quen dùng hàng tươi sống, tay sờ thịt còn nóng ấm, mềm mới mua.
“Nhiều sản phẩm gà vịt đông lạnh, hút chân không đưa vào siêu thị tiêu thụ nhưng vẫn không được ưa chuộng bằng gà vịt tươi sống, đến tay người tiêu dùng chỉ vài tiếng sau khi giết mổ”, ông Phú chia sẻ.
Với các tiêu chuẩn đưa ra tại dự thảo, bà Lê Việt Nga cho rằng: Khi có một khuôn mẫu thì có thể định hướng cho các địa phương đầu tư để đạt được các tiêu chuẩn đề ra.
“Chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn này trên cơ sở đã áp dụng thử 32 mô hình chợ an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó cái gì khó quá tiêu chuẩn đã loại bỏ ra, cái gì tối thiểu thì vẫn giữ, ví dụ như nguồn hàng, kiểm dịch động thực vật, phòng cháy chữa cháy,... là phải có”, bà Nga chia sẻ.
Đại diện Bộ Công Thương mong muốn với bộ tiêu chuẩn về chợ kinh doanh thực phẩm thì những chợ “sạch” này sẽ cạnh tranh ngang ngửa với các siêu thị với giá thành rẻ hơn “vì đầu tư hạ tầng ít hơn”.
Mong muốn chợ sạch hơn là chính đáng và cấn thiết, song nhiều ý kiến cho rằng khoảng cách từ tiêu chuẩn trên giấy với thực tế là rất xa.
Tác giả bài viết: Lương Bằng - Bạch Hân
Nguồn tin: