Kinh tế

Forbes lý giải vì sao Trịnh Văn Quyết không được xếp hạng tỷ phú USD

Sở hữu khối tài sản gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết không xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào theo thống kê của Forbes hiện tại.

Hành trình trở thành tỷ phú đôla của 2 đại gia Việt Học và khởi nghiệp thành công tại Đông Âu, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo về đầu tư trong nước ở các lĩnh vực khác nhau, và đều được Forbes ghi danh tỷ phú USD.

Theo danh sách tỷ phú USD mới nhất Forbes công bố, Việt Nam ghi nhận 2 tỷ phú USD thế giới, là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup - với khối tài sản ròng đạt 2,4 tỷ USD và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air - với 1,2 tỷ USD.

Thống kê tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, người nhiều tiền nhất lại chính là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ông chủ Tập đoàn FLC đang nắm giữ hơn 289,55 triệu cổ phiếu ROS (chiếm 67,34% vốn điều lệ FLC Faros) và hơn 114,18 triệu cổ phiếu FLC (chiếm 17,9% vốn điều lệ FLC).

Với thị giá ROS và FLC trên thị trường hiện nay, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết vào khoảng 44.000 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Quyết vẫn không được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú USD thế giới, dù khối tài sản quy theo giá cổ phiếu đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD từ cuối tháng 10/2016.

Vào năm 2014, tổ chức chuyên nghiên cứu thống kê tài sản của giới siêu giàu trên thế giới là Wealth-X và Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) từng cho biết Việt Nam có tới 210 cá nhân thuộc giới siêu giàu thế giới, với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD. Trong đó có 2 tỷ phú USD với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD.

Thời điểm đó, Việt Nam chỉ có duy nhất ông Phạm Nhật Vượng nằm trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí Forbes.

Forbes từng cho biết việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú trên thế giới rất khó khăn. Và để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau.

Cụ thể, tạp chí này định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.

Các phóng viên của tạp chí này phỏng vấn cả những cá nhân có liên quan tới các tỷ phú để ước tính khối tài sản ròng họ sở hữu.

Trao đổi với Zing.vn, Janelle Kuah - Giám đốc truyền thông Forbes châu Á - khẳng định: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của Trịnh Văn Quyết. Tính tới thời điểm này, ông Quyết vẫn chưa được xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào mà Forbes xếp hạng”.

Như vậy, thông tin mà đại diện Forbes châu Á đưa ra thì khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang được tạp chí này theo dõi.

Và tài sản trên sàn chứng khoán chỉ là một trong các tham số của Forbes trong việc quyết định đưa tên các đại gia vào danh sách người giàu nhất thế giới.

Vuong Thao
Trong danh sách người giàu thế giới năm 2017, Việt Nam có 2 cái tên được nhắc tới: ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh chụp màn hình.

Trên sàn chứng khoán, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vượt ngưỡng 1 tỷ USD từ cuối tháng 10/2016. Tuy nhiên, khối tài sản khổng lồ này của ông chủ FLC biến động rất thất thường, bởi hơn 98% khối tài sản này phụ thuộc vào biến động của thị giá cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Tính đến nay, giá cổ phiếu FLC tăng 2.470 đồng/cp (tương đương 47%) và ROS tăng 60.200 đồng/cp (khoảng 52%) khiến cho khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết tăng thêm gần 18.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu đôla) chỉ sau một quý.

Trong khi đó, lượng giao dịch cổ phiếu ROS trong chu kỳ tăng giá “kỳ lạ” vừa qua đều ghi nhận khối lượng mua vào cao gấp nhiều lần lượng bán ra gấp 3-4 lần. Riêng ông Quyết và vợ ông, bà Lê Thị Ngọc Diệp đang nắm tới 72,04% lượng cổ phiếu lưu hành của ROS, chưa kể tới các công ty liên quan.

Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng từng chưa có tên trong danh sách người giàu thế giới của Forbes trong 2 năm, dù tài sản trên sàn chứng khoán quy đổi tương đương con số 1 tỷ USD từ 2011. Đến năm 2013, người sáng lập Vingroup được Forbes nêu tên lần đầu, ở vị trí 974 thế giới, với tổng tài sản ròng 1,5 tỷ USD.

Nhưng khác với ông Quyết, ngay từ khi cán mốc 1 tỷ USD, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng ổn định và giữ xu hướng tăng, không có biến động thất thường, đột biến.

Trong khi đó, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng (hơn nửa tỷ USD) nhưng bà vẫn có tên trong danh sách tỷ phú USD thế giới của Forbes với định giá tài sản ròng là 1,2 tỷ USD. Bà là phụ nữ đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong danh sách này.

Hơn nữa, bà chủ Vietjet Air có tên trong danh sách tỷ phú đôla 2017 của Forbes nhưng trong bảng cập nhật xếp hạng vào thời điểm hiện tại (real time), Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận một cái tên là ông Phạm Nhật Vượng. Bà Thảo cũng không có trong danh sách những người giàu tính theo thời gian thực.

Tác giả bài viết: Quang Thắng - Ngô Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP