Số hóa

Facebook bị "cấm tiệt" ở Sri Lanka

Là mạng xã hội đề cao sự gắn kết và chia sẻ thông tin, nhưng ở một số quốc gia thì Facebook lại đang trở thành phương tiện đưa thông tin sai lệch và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan điểm chính trị, mà gần đây nhất đã xảy ra tại Sri Lanka.

Sri Lanka tạm thời khóa truy cập Facebook để ngăn chặn bạo lực của đám đông nhằm vào những người thiểu số Hồi giáo.

Trong một tuyên bố ngày 8/3, chính phủ Sri Lanka đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại di động chặn toàn bộ truy cập của mạng xã hội Facebook, cũng như 2 nền tảng khác mà công ty sở hữu bao gồm WhatsApp và Instagram.

Được biết, động thái trên nhằm ngăn chặn việc truyền bá những nội dung chống phá nhà nước, dẫn đến xung đột leo thang giữa các cộng đồng theo đạo Hồi và đạo Phật tại quốc gia này. Chính phủ thậm chí phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 6/3 và kéo dài trong suốt 10 ngày.

"Những nền tảng mạng xã hội này bị cấm bởi cho phép người dùng dễ dàng đăng tải, chia sẻ, truyền bá những bài diễn văn chống phá và phóng đại sự thật", Harindra B. Dassanayake, phát ngôn viên của chính phủ cho biết.

Facebook vào hôm thứ 5 cũng có bài phát biểu trước việc đưa ra các quy định chống lại nội dung thù địch và kích động bạo lực xảy ra tại quốc gia này. "Chúng tôi đang nắm bắt tình hình tại Sri Lanka bằng cách tiếp cận với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để xác định và loại bỏ các nội dung như vậy", Facebook nói.

Sri Lanka là quốc gia mới nhất lên tiếng chống lại việc để lọt và không kiểm duyệt trên Facebook đối với các nội dung truyền bá thông tin độc hại từ các phần tử cực đoan, nhằm gây ra xung đột và thậm chí là nội chiến.

Trước đó tại Myanmar, nơi Facebook phổ biến tới mức thường xuyên bị nhầm lẫn với khái niệm Internet, cũng xảy ra tình trạng tương tự khi mạng xã hội bị đổ lỗi cho các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ ngôn từ kích động, thù địch lan rộng, dẫn tới phân chia sắc tộc và tình trạng bạo lực đối với các nhóm dân tộc Rohingya. Tại Philippines, Facebook cũng bị coi là công cụ dùng để tuyên truyền chống phá chính phủ.

Năm ngoái, Ấn Độ từng chặn 22 dịch vụ mạng xã hội, trong đó bao gồm Facebook, Twitter, WhatsApp và YouTube để ngăn chặn các cuộc biểu tình đường phố trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Jammu và Kashmir. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng liên tục phải đóng cửa Twitter và YouTube vì cho phép đăng tải các nội dung phản đối Tổng thống Erdogan của nước này.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP