Kinh tế

EU phê chuẩn ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam

EVFTA là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) được Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đón tiếp tại Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 tháng 10/2018. Ảnh: EC.

Hội đồng châu Âu (EC) hôm nay thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định sẽ được ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội, theo thông cáo của EC.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được EU ký kết với một quốc gia đang phát triển, giúp loại bỏ 99% thuế hải quan giữa hai bên. 65% thuế đối với hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi phần còn lại sẽ được giảm dần trong 10 năm. 71% thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng sẽ bị loại bỏ khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại mất dần trong 7 năm.

EVFTA cũng sẽ giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có để giao dịch với Việt Nam, mở ra các dịch vụ ở Việt Nam và thị trường mua sắm công khai cho các công ty EU, trong khi IPA sẽ tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Là một trong những hiệp định song phương thế hệ mới, EVFTA cũng sẽ bao gồm những điều khoản quan trọng về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững. Về khía cạnh phát triển bền vững, EVFTA bao gồm các cam kết thực hiện những tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, như quyền tự do gia nhập công đoàn độc lập và cấm sử dụng lao động trẻ em, cũng như các công ước Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.

Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và EU bắt đầu vào tháng 6/2012 và kết thúc ngày 2/12/2015. Tuy nhiên, việc ký kết chính thức thỏa thuận bị trì hoãn bởi Tòa Công lý châu Âu đang xử lý việc phân chia năng lực giữa EU và các quốc gia thành viên liên quan đến việc ký kết FTA giữa EU và Singapore.

Theo quyết định của tòa được đưa ra vào tháng 5/2017, EU quyết định đề xuất hai hiệp định riêng biệt. Một hiệp định thương mại tự do, trong đó có các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng của EU và chỉ cần có sự chấp thuận của EC và sự đồng ý của Nghị viện châu Âu trước khi có hiệu lực. Một hiệp định về bảo vệ đầu tư sẽ phải trải qua thủ tục phê chuẩn của quốc gia liên quan ở tất cả các quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore, với giá trị thương mại gần 50 tỷ euro mỗi năm. Dù đầu tư của EU tại Việt Nam mới đạt 8,3 tỷ euro năm 2016, ngày càng nhiều công ty châu Âu đang thành lập tại Việt Nam để xây dựng mạng lưới kết nối khu vực sông Mekong. Các mặt hàng nhập khẩu chính của EU từ Việt Nam bao gồm thiết bị viễn thông, quần áo và thực phẩm. EU chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.

Tại hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 25/6 tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá với EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường 28 nước thành viên liên minh châu Âu. "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP