|
Đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông là một phần trong mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính so với mức đo được vào năm 1990. EC cũng đặt mục tiêu tạm thời là giảm 15% lượng phát thải CO2 vào năm 2025 để giúp đảm bảo rằng các nhà sản xuất xe hơi sẽ bắt đầu đầu tư sớm. Cơ quan này quan tâm tới pháp chế nhằm kích thích ngành công nghiệp xe hơi châu Âu phát triển các dòng xe điện, trước lo ngại về sự áp đảo của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực này.
Viện dẫn việc các công ty taxi tại Brussels đang sử dụng những chiếc xe điện “made in China”, ông Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch EC về năng lượng nhấn mạnh: “Hiện đang diễn ra một cuộc cạnh tranh. Những chiếc xe được phát minh tại châu Âu và tôi tin rằng, chúng nên được đổi mới tại chính nơi này.”
Để giúp những nhà sản xuất xe hơi đạt được mục đích mở rộng quy mô, EU sẽ hỗ trợ cung cấp tín dụng cho các hãng sản xuất có lượng xe phát thải thấp hoặc không phát thải đạt mức tiêu chuẩn của nhà quản lý. Theo tiêu chuẩn của EU, những chiếc xe được coi là phát thải thấp có mức phát thải không quá 50 g/km, chủ yếu là các dòng xe điện hybrid.
Tuy nhiên, nếu bị phát hiện vi phạm các quy định mới, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt những khoản tiền phạt lên tới hàng triệu euro, với mức phạt 95 euro cho mỗi gram CO2 vượt quá giới hạn và cho mỗi chiếc xe mới đăng ký trong năm đó.
Dù tham khảo từ chương trình cho phép mua bán phát thải carbon của bang California, tuy nhiên khác với hệ thống của California, dự luật của EU không đặt ra hạn ngạch. Ngoài ra, sẽ không có hình phạt nào nếu không đạt được tiêu chuẩn xe không phát thải.
Các cuộc đàm phán gay gắt đã diễn ra giữa các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu trước khi dự thảo chính thức được ban hành thành luật. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng, các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng và việc làm.
Các công ty đánh giá dự luật này quá tham vọng. Ngược lại, các nhà vận động môi trường và các nhóm người tiêu dùng lại cho rằng mục tiêu đó là chưa đủ.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Châu Âu (ACEA) chỉ trích rằng, mục tiêu 30% là “quá thách thức” và mục tiêu tạm thời 2025 không tạo đủ thời gian để ngành công nghiệp xe hơi có thể thay đổi, thay vào đó là giảm 20% vào năm 2030 sẽ khả thi hơn.
Quan tâm tới mối lo ngại của các nhà sản xuất, EC sẽ dành 800 triệu euro (928 triệu USD) để hỗ trợ triển khai các điểm sạc xe điện và 200 triệu euro (232,3 triệu USD) để phát triển pin.
Vụ bê bối gian lận khí thải chấn động ngành công nghiệp xe hơi của Volkswagen đã gây áp lực lên các nhà quản lý EU trong việc thắt chặt kiểm soát, nhiều chính phủ và chính quyền thành phố tại châu Âu đã thông báo cấm xe hơi chạy bằng nhiên liệu đốt trong trong 2 thập kỷ tới.
Ủy viên châu Âu về Khí hậu và Năng lượng Miguel Arias Canete nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn ngành công nghiệp xe hơi châu Âu trở lại trong cuộc đua của các phương tiện sạch hàng đầu thế giới.”
Các chuyên gia thuộc Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) đã chỉ ra rằng, mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 nhiều tham vọng hơn sẽ thúc đẩy việc phát triển các dòng xe điện.
Ông Peter Mock - Giám đốc điều hành ICCT tại EU cho rằng: “Đánh giá từ góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng nhiều tiến bộ nhất định có thể sẽ đạt được.”
EC cũng đề ra mục tiêu cho các các cơ quan công quyền nhằm đạt được một phần tỷ lệ các xe có lượng phát thải thấp hoặc không phát thải trong lĩnh vực mua sắm công vào năm 2030, ví dụ như các xe chở rác.
Tác giả: Gia Bảo (Theo Nikkei)
Nguồn tin: Báo Dân trí