Mới đây, Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Trong bức thư cô bé viết: “Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển”.
Trước thực tế ấy, cô bé lớp 5 đề xuất: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”
Lá thư với nội dung ngắn gọn, xúc tích nhưng đã gửi gắm nhiều thông điệp của cô bé Hà Nội về một vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.
Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng. |
Nhận được bức thư của học trò, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie vô cùng xúc động.
Theo thầy Khang, đây là ý tưởng trong sáng và có ý nghĩa trước thềm năm học mới.
“Thả bóng bay đã là thói quen từ lâu của nhiều trường học trên cả nước. Nếu không nhận được lá thư này, có lẽ nhiều trường học trong đó có Marie Curie cũng sẽ tổ chức lễ khai giảng hoành tráng và có thật nhiều bóng bay.
Nhưng chắc chắn sau bức thư của trò Nguyệt Linh, sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường năm nay và cả những năm tiếp theo nữa”.
Thầy Khang cũng đã gửi lại thư hồi đáp tới học học trò của mình và mong ý tưởng này sẽ được nhiều người ủng hộ.
Nhà báo Trương Anh Ngọc, người theo đuổi ý tưởng "khai giảng không bóng bay" từ nhiều năm nay, bình luận: "Khi một đứa trẻ lên tiếng về một vấn đề liên quan đến môi trường, thiết nghĩ, chính người lớn cũng cần phải suy nghĩ về việc này và có hành động cụ thể".
"Mình còn muốn nói rộng hơn nữa về câu chuyện khai giảng, dù bây giờ nói ra có vẻ khá sớm. Đã đến lúc chấm dứt ngay và luôn nạn hình thức trong ngày khai giảng".
Chị Nguyệt, mẹ của Linh cho biết: Trong số 40 trường mà Linh đã gửi thư, có một số trường hồi âm sẽ hạn chế bóng bay; ngoài trường Marie Curie, Trường Việt Úc cũng sẽ không thả bóng bay trong dịp khai giảng.
“Việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp con cảm nhận được cuộc đời rộng lớn và con sẽ không còn để ý đến những điều không tốt”, mẹ Nguyệt Linh chia sẻ. |
Đọc bức thư do con gái viết, chị Nguyệt - giảng viên một trường đại học - không khỏi bất ngờ.
Ngay từ nhỏ vợ chồng anh chị đã thường xuyên dẫn con “ra ngoài nhiều hơn ở nhà” và tích cực cho con tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhờ vậy, Linh luôn tò mò và mong muốn tìm hiểu về những vấn đề “nóng” trong cuộc sống.
Cách đây 1 năm, Linh theo dõi và biết đến những thông tin về hành trình xuyên Việt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng – người đi gần 7.000 km bờ biển Việt Nam để chụp rác. Thích thú với vấn đề môi trường, Linh quyết tâm tìm hiểu thêm.
Cô bé tự làm clip, viết kịch bản rồi dựng thành phim để tuyên truyền và kêu gọi mọi người giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần. Cũng từ lâu, Linh không còn chơi bóng bay nữa vì cho rằng đó cũng là rác thải. Và nếu bóng bay lên trời thì các con chim cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chị Nguyệt kể, gần đây nghe con gái than phiền vì sắp đến khai giảng và các trường sẽ lại thả bóng bay; vì vậy, chị đã gợi ý cho con có thể làm một điều gì đó để các trường không sử dụng bóng bay nữa.
Linh đặc biệt thích tham gia các hoạt động liên quan đến môi trường |
“Đầu tiên mình gợi ý con nên viết thư tay. Nhưng cả hai mẹ con sau khi suy nghĩ đã nhận ra rằng, việc viết thư tay cũng không hiệu quả vì phải tìm địa chỉ của từng trường để gửi đi. Hơn nữa làm như thế cũng gây lãng phí về giấy.
Sau đó con đã đề xuất ý tưởng sẽ tự đánh máy, tự tìm email các trường và tự gửi. Con mất 3 ngày để hoàn thành các công đoạn từ viết thư và gửi cho hơn 40 trường tại Hà Nội. Đến giờ, đã có một số trường viết thư phản hồi và con rất vui về điều đó. Con vẫn đang tiếp tục lan rộng hơn nữa bức thư tới các trường học”, chị Nguyệt kể.
Chị Nguyệt cho rằng, điều làm chị xúc động nhất là chỉ từ một suy nghĩ rất nhỏ nhưng Linh có thể phát triển thành một hành động thực tế.
“Suy nghĩ của con rất hồn nhiên và con không ngần ngại thể hiện chúng ra hành động. Bố mẹ chỉ biết động viên: “Con nghĩ ra điều gì thì con cứ làm”. Với mình, điều quan trọng nhất là con được sống hạnh phúc”.
Chị Nguyệt cũng mong muốn, khi con biết quan tâm đến những vấn đề lớn thì sẽ không còn để ý đến những việc quá vụn vặt trong cuộc sống nữa. Nhờ vậy, con sẽ có những niềm đam mê lớn hơn.
Tác giả: Thúy Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet