Ngày 24/5, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố rằng tiền mã hóa sẽ tạo ra rủi ro tài chính nếu thị trường tiếp tục tăng trưởng phi mã như trong vòng 2 năm qua và các công ty tài chính tiếp tục bước sâu hơn vào lĩnh vực này.
Nhiều loại tiền mã hóa đã và đang có xu hướng giảm sâu trong suốt một tháng qua, với một số trường hợp đặc biệt sụp đổ hoàn toàn về giá trị như TerraUSD và Luna. Cú sập của 2 loại tiền này đã khiến một số quan chức tài chính quốc tế kêu gọi tăng cường quản lý lĩnh vực tiền mã hóa “nhanh chóng và toàn diện”.
Trong đại dịch Covid-19, thị trường tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng đã bùng nổ và lôi kéo nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia, với hứa hẹn rằng Bitcoin có thể đóng vai trò tài sản chống lạm phát và đem lại tỉ lệ lợi nhuận cao khi lãi suất còn thấp.
Thị trường tiền mã hóa đạt đỉnh 2,9 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2021, tăng gần gấp 10 lần so với mốc 300 tỷ USD đầu năm 2020. Tuy nhiên, Bitcoin đã tụt giá mạnh kể từ đỉnh tháng 11 và kéo theo cả thị trường xuống mức 1,2 nghìn tỷ USD.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: Philipp von Ditfurth/picture alliance/Getty Images. |
Báo cáo đánh giá ổn định tài chính của ECB cho rằng việc các ngân hàng và tổ chức tài chính tham gia thị trường tiền mã hóa trên quy mô lớn có thể tạo rủi ro cho vốn và làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư cũng như thị trường tài chính. Theo ECB, “rủi ro hệ thống tăng lên cùng với mức độ liên kết giữa tài sản mã hóa và lĩnh vực tài chính truyền thống”.
Việc các sàn giao dịch tiền mã hóa cung cấp khả năng giao dịch với đòn bẩy lớn cũng thúc đẩy nhà đầu tư vay tiền để sở hữu lượng tiền mã hóa lớn hơn, làm tăng nguy cơ rủi ro. ECB cũng cho rằng việc thiếu dữ liệu sẽ cản trở khả năng đánh giá rủi ro tài chính của lĩnh vực này và cảnh báo về độ tin cậy của các báo cáo do sàn giao dịch và công ty thu thập dữ liệu xuất bản.
Theo khảo sát của ECB, trong số 10 hộ gia đình ở khu vực Euro có 1 hộ đã mua tiền mã hóa. ECB nói rằng loại tiền này không phù hợp với phần lớn nhà đầu tư cá nhân và thúc giục giới chức EU khẩn cấp thông qua quy định mới về quản lý tiền mã hóa, vốn được đưa ra từ năm 2020 nhưng sớm nhất đến 2024 mới được chấp thuận.
Tác giả: Tùng Phong
Nguồn tin: nguoiduatin.vn