Tin địa phương

E dè, không dám làm vì “lỗ hổng” cán bộ pháp chế?

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa, hiện nay Văn phòng UBND TP Đà Nẵng không có Phòng Pháp chế để tham mưu về mặt pháp lý mà chỉ có bộ phận nội chính. Vì vậy lãnh đạo UBND TP hoàn toàn dựa vào Giám đốc các Sở; trong khi Giám đốc các Sở lại cũng không có bộ phận pháp chế để tham mưu!

Tham mưu về pháp lý còn nhiều hạn chế

Như tin đã đưa, tại phiên họp thường kỳ UBND TP Đà Nẵng tháng 1/2019 (hôm 23/01) vừa qua, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã nêu nhận xét, mặc dù năm 2018 TP Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên một số chủ trương, kết luận của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chưa được UBND TP triển khai kịp thời, như đối với dự án 02 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý để tình hình trở nên phức tạp hơn.

 cán bộ

Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng phát biểu về "lỗ hổng" cán bộ pháp chế tại phiên họp thường kỳ của UBND TP Đà Nẵng tháng 1/2019 (Ảnh: HC)

Việc triển khai các dự án công trình trọng điểm theo Thông báo 331-TB/TU ngày 31/01/2018 Ban Thường vụ Thành ủy (liên quan tới 7 nhóm vấn đề, dự án lớn mà dư luận xã hội rất quan tâm) còn chậm, còn nhiều vướng mắc nhưng chưa quyết liệt hành động tháo gỡ; những khó khăn trong việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đối với công tác quản lý đất đai đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tổ chức, người dân.

Cải cách hành chính có dấu hiệu chững lại; một số chỉ số quan trọng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp; tư tưởng, động lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động có phần giảm sút; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, tín dụng đen, bảo kê, cho vay nặng lãi…

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu năm 2019 phải kiện toàn, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực công tác, vị trí việc làm; những cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu thì nghiên cứu điều chuyển, bố trí công việc khác phù hợp; không để trong bộ máy có những cán bộ e dè, ngại va chạm, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm, không có nỗ lực phấn đấu.

Về sự “e dè, không dám làm” của một số cán bộ và cơ quan chuyên môn, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng phát biểu: “Thực tế vừa qua cho thấy việc tham mưu của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là tham mưu về vấn đề pháp luật, còn nhiều hạn chế. Trước bối cảnh TP có một số sai phạm trước đây đang xử lý đã dẫn đến việc tham mưu của cán bộ cũng không mạnh dạn. Việc này xuất phát từ nguyên nhân chưa am hiểu về mặt pháp luật lắm nên mới e ngại, chứ tôi nghĩ nếu am hiểu về mặt pháp luật thì không có gì phải ngại cả!”.

Cán bộ pháp chế đang bị… tinh giản biên chế

Theo bà Võ Thị Như Hoa, tình hình nêu trên có liên quan đến vấn đề đội ngũ cán bộ pháp chế của các sở, ngành. Sở nào cũng có cán bộ pháp chế. Đó là “cánh tay phải” cho Giám đốc các Sở để tham mưu về mặt pháp lý, nhưng hiện nay đội ngũ cán bộ pháp chế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, chưa khai thác triệt để trách nhiệm của đội ngũ này.

“Điều đó cũng gây quá tải hoạt động của Sở Tư pháp, vì hầu như các vấn đề liên quan đến pháp lý thì các Sở, ngành đều lấy ý kiến Sở Tư pháp; và sau khi các Sở, ngành trình lên thì UBND TP cũng giao Sở Tư pháp rà soát pháp lý một lần nữa, dẫn đến việc các dự án bị trì trệ. Nếu về mặt pháp lý mà vướng mắc thì rõ ràng các dự án không thể triển khai được. Vì vậy tôi đề nghị Thành ủy, UBND TP cần hết sức quan tâm đội ngũ cán bộ pháp chế!” – bà Võ Thị Như Hoa nói.

Cũng theo bà Võ Thị Như Hoa, một vấn đề hiện rất đáng lo ngại nữa là TP Đà Nẵng đang thực hiện tinh giản biên chế nên cán bộ pháp chế của các Sở, ngành bị chấm dứt hợp đồng, khiến tình hình càng thêm khó khăn. Thậm chí mọi công tác tham mưu về mặt pháp lý cho lãnh đạo TP thì hiện nay ngay cả Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng không có Phòng Pháp chế, mà chỉ có bộ phận nội chính.

Vì vậy lãnh đạo UBND TP hoàn toàn dựa vào Giám đốc các Sở, ngành; trong khi Giám đốc các Sở lại không có bộ phận pháp chế để tham mưu. Tôi nghĩ đây là lỗ hổng rất lớn trong việc tham mưu về pháp lý cho các Sở, ngành cũng như cho lãnh đạo TP. Vì vậy cần hết sức quan tâm duy trì đội ngũ cán bộ pháp chế để giúp Giám đốc các Sở, ngành rà soát về mặt pháp lý trước khi tham mưu lên cho lãnh đạo TP. Chúng ta thấy vừa rồi có một số sai phạm liên quan đến quản lý đất đai mà nếu có cán bộ pháp chế tham gia ý kiến sâu vào với các Giám đốc Sở thì có lẽ đã không dính những sai phạm đó!” – bà Võ Thị Như Hoa nói.

Lỗ hổng tư vấn pháp lý chưa khắc phục được

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết đã nhắc Sở Nội vụ về vấn đề đội ngũ cán bộ pháp chế, và cũng đã có quy định, phương án bố trí. “Từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã đặt vấn đề đội ngũ cán bộ pháp chế của các quận, huyện, Sở, ngành là cực kỳ quan trọng và phải được ưu tiên. Bây giờ lỗ hổng đó cụ thể ở dưới kia đến mức độ nào, vừa rồi số đó thi tuyển công chức có bao nhiêu đạt, bao nhiêu không đạt phải chuyển về các đơn vị sự nghiệp thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, hiện Sở Tư pháp đang quá tải công việc, không đủ người để xử lý, trong khi chính cán bộ của Sở Tư pháp cũng đang lần lượt xin nghỉ rất nhiều. Ông than thở: “Những người giỏi nghỉ hết, có những Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng xin nghỉ việc, chúng tôi bỏ sức ra năn nỉ mấy người rồi, cũng không chịu ở lại làm việc!”.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Nội vụ phải rất để tâm đến vấn đề đội ngũ cán bộ pháp chế. Ông nhấn mạnh, cần đặt vấn đề trong điều kiện hiện nay thì đội ngũ cán bộ tư vấn pháp lý là vô cùng quan trọng, nhưng đến giờ Đà Nẵng vẫn chưa khắc phục được lỗ hổng này!./.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: cán bộ , đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP