Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội (đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi) được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.
Sau đó, dự án được điều chỉnh, đến nay phân kỳ đầu tư lại, trong đó giai đoạn I chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi. Dự án được khởi công từ năm 2013, dự kiến được hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào, chủ yếu vẫn tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án.
Phối cảnh đường sắt đô thị tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi |
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công tác GPMB được triển khai từ năm 2009, đến nay đã thu hồi được 99/158,8 ha mặt bằng, xây dựng xong khu tái định cư tại xã Liên Ninh, chuẩn bị xây dựng khu tái định cư xã Ngọc Hồi. Việc GPMB, đền bù, hỗ trợ tái định cư rất chậm so với kế hoạch do nguồn vốn đối ứng chậm. Dự kiến phải đến quý II/2020 mới hoàn thành GPMB, với điều kiện được bố trí đủ hơn 1.000 tỷ đồng vốn còn thiếu theo kế hoạch.
Năm 2015, sau 2 lần điều chỉnh, phân kỳ đầu tư, dự án được chấp thuận chia tách thành 3 dự án độc lập gồm: xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi, đoạn Ngọc Hồi - ga Hà Nội, từ ga Hà Nội đến ga Yên Viên.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, một trong những vấn đề phát sinh là không kết nối được với quy hoạch đường sắt đô thị của tỉnh Bắc Ninh, trong khi địa phương này cũng quy hoạch đường sắt đô thị đến Từ Sơn. Cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung từ quy hoạch để tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội, cũng như đường sắt đô thị để tạo kết nối giữa địa phương khác, giúp tăng hiệu quả đầu tư.
Cần phải nhấn mạnh thằng, sau 10 năm với nhiều lần điều chỉnh, dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa thể triển khai thi công, nhưng đến nay tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai có các hạng mục phát sinh phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế nhằm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô, điều kiện thực tế và quy hoạch của địa phương; trượt giá xây dựng, tăng tỷ giá giữa tiền Yên và tiền Việt Nam; ảnh hưởng của vụ việc nhà thầu JTC của Nhật Bản hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một số quan chức đường sắt Việt Nam khiến dự án bị dừng từ 2014-2016... dẫn đến phải điều chỉnh dự án.
“Điều chỉnh thiết kế cơ sở (tăng 332% so với tổng mức được duyệt), thay đổi quy mô đầu tư (tăng 131%), thay đổi chính sách tiền lương, trượt giá; thời gian thực hiện dự án kéo dài (phát sinh chi phí tư vấn, quản lý, phí cam kết...), tăng chi phí dự phòng, chi phí giải phóng mặt bằng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của nhà tài trợ.” - đại diện Bộ GTVT cho biết thêm các nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư dự án
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí