1. Không thể phủ nhận rằng Công Vinh là một trong những cầu thủ giàu thành tích và thành công nhất của bóng đá Việt Nam. Tiền đạo xứ Nghệ cũng chính là người ghi bàn thắng quyết định đem về vinh quang duy nhất ở đấu trường khu vực cho bóng đá Việt Nam - chức vô địch AFF Cup 2008.
Nhưng ở đâu đó trong tâm thế của mình, Công Vinh, cũng như bóng đá Việt Nam đâu đó vẫn còn thiếu một điều để làm nên kỳ tích như như đội tuyển U23 Việt Nam đang làm được: sự can đảm để vượt qua sợ hãi.
Người ta nói rất nhiều đến việc U23 Việt Nam vượt qua các đối thủ, gần đây nhất là U23 Iraq để làm nên thành tích để đời, mà quên mất điều quan trọng nhất mà các cầu thủ trẻ của chúng ta làm được "cách họ vượt qua chính mình".
Nghiêm túc, vượt qua chính mình với sự sợ hãi vốn có mới là điều khó nhất. Như con voi bị buộc bằng sợi xích lớn, mỗi lần giật căng sợi xích là nó "ăn" những ngọn giáo nhọn đâm vào người, đến một lúc nào đó, thay sợi xích bằng một sợi chỉ, nó cũng không dám giật bỏ mà đi.
So với những năm trước, Đức Chinh chẳng thể hay được bằng Huỳnh Đức hay Công Vinh, Công Phượng làm sao dám sánh với Hồng Sơn, Xuân Trường còn "mướt mồ hôi" mới theo được khả năng công thủ toàn diện của Quốc Vượng, cũng chẳng có cặp trung vệ nào qua được Huy Hoàng - Như Thành.
Thế nhưng, thế hệ này không chơi phá bóng, không bay xoạc cả hai chân chỉ để đưa bóng ra biên, những cầu thủ trẻ dám tự tin cầm bóng "đập nhả tý tách" ngay cả khi xung quanh là 3, 4 cầu thủ đối phương quây lại, rất nhiều lần ngã xuống rồi vẫn kịp đẩy bóng rất vừa lực cho đồng đội, bước lên chấm penalty với những cú sút vừa chuẩn xác, vừa lạnh lùng...
Đấy là điều mà thế hệ Công Vinh chưa từng làm được, thậm chí là chưa từng được chứng kiến ở bóng đá Việt Nam.
2. Hơn 2 năm trước, Công Vinh đã từng bị chỉ trích dữ dội với phát biểu "Chắc chắn Việt Nam không thể thắng Iraq, chúng ta phải biết mình ở đâu". Trận đấu trên sân Mỹ Đình ấy, đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Miura đã chơi một trận cực hay, dẫn trước và chỉ để Iraq gỡ hòa ở phút bù giờ cuối cùng, với quả penalty có phần oan uổng đến từ trọng tài người Australia Christopher Beath.
Tâm thế của Công Vinh, người đang nắm trọng trách khá quan trọng với bóng đá Việt Nam trong vai trò quyền chủ tịch CLB TP.HCM là lấy thước ngắm là đấu trường khu vực, với Thái Lan hay Indonesia để "lượng sức mình", để phấn đấu vượt qua, trong khi đó rất nhiều "chiến binh đỏ" góp mặt ở Trung Quốc những ngày này, World Cup hay đấu trường châu lục mới là đích đến.
Vượt qua cả trọng tài, U23 Việt Nam hiên ngang vào bán kết. |
Lứa U23 dưới quyền HLV Park Hang-seo dám chơi, dám đấu, dám vượt qua chính mình, vượt qua thân phận của kẻ lót đường vốn chỉ loanh quanh ở "cái ao làng" Đông Nam Á để bước ra sân chơi châu lục, chơi sòng phẳng với những đối thủ mà ngày xưa Công Vinh chỉ dám đứng xa ngưỡng vọng, run sợ mỗi khi phải đối đầu.
Lứa U23 Việt Nam hôm nay dẫu chọn lối chơi toan tính, phòng ngự chủ động trước các đối thủ mạnh tầm châu lục, nhưng sẵn sàng tấn công để quật ngã đối thủ khi có cơ hội, bằng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, bằng niềm kiêu hãnh của ngôi sao vàng trên ngực áo, bằng niềm tin vào HLV từng đem về kỳ tích cho Hàn Quốc ở đấu trường World Cup rất nhiều năm về trước.
Họ chẳng hề e ngại trước U23 Thái Lan dù mới có mấy tháng trước phải nhận trận thua đầy tủi hổ trên đấu trường SEA Games, chẳng hề e ngại chơi đôi công, lôi U23 Iraq vào tận loạt luân lưu cân não, để rồi "giải quyết" gọn gàng bằng 5 quả penalty lạnh lùng, chuẩn xác.
U23 Việt Nam dưới tay HLV Park Hang-seo không còn gây tranh cãi bởi sự ưu ái cho những cầu thủ "thân HLV" như dưới thời Hữu Thắng, hay như vì "ưu tiên" cho Công Vinh mà gạt bỏ Anh Đức ra khỏi ĐTQG suốt gần 2 năm trời, dù tiền đạo Bình Dương tỏa sáng trong màu áo CLB.
U23 Việt Nam hôm nay là đội bóng dám tung Phan Văn Đức - cầu thủ mới "chân ướt chân ráo" lên tuyển trong trận đấu quan trọng nhất, để rồi chính chân sút "mới toanh" ấy tạo nên bước ngoặt quan trọng nhất đưa toàn đội vượt qua trận tứ kết, lập nên và tiếp tục kỳ tích vinh quang cho bóng đá Việt Nam.
Đẳng cấp là gì, tầm cỡ là gì hả Công Vinh? Top 4 châu Á đã đủ rút ngắn khoảng cách của bóng đá Việt Nam với châu lục chưa? Cơ hội để vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua chính mình đang nằm trong tay các cầu thủ trẻ Việt Nam, thì cớ sao vẫn mãi tự kỷ ám thị về cái "đẳng cấp Đông Nam Á" ngày nào?
Thà cứ như bầu Đức: "Đã mơ thì nên mơ dài một chút. Vượt qua Australia, tứ kết, giờ là bán kết thì sao chúng ta không mơ chung kết?".
Tác giả: Kinh Luân
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ