Kinh tế

Đua nhau bán trái phiếu lãi suất cao

Nhiều doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu huy động vốn với lãi suất cao gây áp lực lên mặt bằng lãi suất ngân hàng

"Công ty bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao ngất ngưởng là hiện tượng bất thường, phải lưu ý" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp hôm 8-7 của Ban Chỉ đạo về đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước và phát triển DN 6 tháng đầu năm 2019; bàn nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến hết năm 2019.

Phát hành hàng chục ngàn tỉ đồng

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ gần đây, các công ty bất động sản phát hành trái phiếu DN với số lượng lớn và lãi suất rất cao, từ 12%-14%/năm, tạo áp lực lớn đến hệ thống tài chính - ngân hàng (NH).

Các doanh nghiệp bất động sản đang đua nhau phát hành trái phiếu huy động vốn thực hiện dự án trong bối cảnh vốn ngân hàng ngày càng khó tiếp cận Ảnh: TẤN THẠNH

Thực tế cho thấy đầu tháng 7, Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) thông báo đã huy động được 150 tỉ đồng qua việc phát hành riêng lẻ 1.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 1 năm, lãi suất 14%/năm và trả lãi 3 tháng/lần.

Trong khi đó, NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vừa bỏ ra 800 tỉ đồng để mua 8.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng do Công ty CP Ðầu tư Văn Phú (mã chứng khoán VPI) phát hành. Theo đó, lãi suất áp dụng cho kỳ thanh toán lãi đầu tiên là 12%/năm, lãi suất của các kỳ thanh toán tiếp theo được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (đối với số tiền gửi trên 10 tỉ đồng) của VPBank cộng với biên độ 4,3%/năm.

Còn Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán SCR) cũng đang tính toán phát hành riêng lẻ 300 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn tối đa 3 năm, mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu ngay trong tháng 7 này với lãi suất dự kiến không hề thấp.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) dẫn báo cáo của các công ty chứng khoán cho thấy 5 tháng đầu năm 2019, các DN bất động sản đã phát hành 16.230 tỉ đồng trái phiếu.

Người mua cần cẩn trọng

Trong khi các DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao thì lãi tiền gửi tại NH thương mại cao nhất cũng chỉ 8,8%/năm cho các kỳ hạn dài, còn kỳ hạn dưới 12 tháng chỉ khoảng 4%-6%/năm. Những người gửi số tiền lớn hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thường so sánh lãi suất NH với lãi suất trái phiếu DN để kỳ kèo, đề nghị tăng thêm lãi suất. Không ít NH còn đứng ra làm trung gian phân phối trái phiếu DN cho những người muốn được lãi suất cao. Thậm chí, một số NH mua sỉ hàng trăm tỉ đồng trái phiếu DN với lãi suất 12%/năm trở lên. Nghĩa là NH đã cho DN vay tiền với lãi suất cao, dư nợ cho vay của NH tăng lên. Thế nhưng, sau khi mua, NH bán lại trái phiếu DN cho khách hàng của mình với lãi suất 8%-10%/năm, kéo dư nợ cho vay giảm xuống. Như vậy, với giao dịch trái phiếu DN, người mua được hưởng lãi suất cao, DN huy động được vốn, NH tăng thêm lợi nhuận nhưng bù lại mặt bằng lãi suất đứng trước áp lực đi lên.

Một lãnh đạo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng trong bối cảnh NH siết chặt tín dụng, DN huy động vốn bằng trái phiếu là hướng đi đúng đắn. Tuy vậy, rất khó đánh giá mục đích lẫn hiệu quả sử dụng vốn, khả năng chi trả vốn và lãi của DN. Bởi thị trường từng ghi nhận không ít DN phát hành trái phiếu thành công nhưng sau đó lại xoay xở từ vốn vay NH để thanh toán cho người mua trái phiếu. Thậm chí, có NH mua trái phiếu chỉ để "giúp" DN đó tất toán số tiền mà trước đó đã vay của NH.

Bàn luận về trái phiếu DN, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) lo ngại chẳng may DN phát hành làm ăn thất bại, mất khả năng chi trả thì người mua sẽ lãnh đủ. Vì thế, theo ông, nhà đầu tư bỏ vốn mua trái phiếu cần tìm hiểu DN phát hành có tài sản bảo đảm, có được NH hay tổ chức nào khác bảo lãnh thanh toán hay không? Riêng trường hợp DN chỉ có tài sản bảo đảm thì tài sản đó phải được định giá, đồng thời giá trị của nó phải đủ chi trả vốn và lãi cho số tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu.

Tác giả: Thy Thơ

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP