Theo cáo trạng, Phạm Xuân Hà sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn của huyện Yên Thành (Nghệ An). Để kinh tế gia đình khấm khá hơn, Hà xin cha mẹ cho mình được đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan khi mới 18 tuổi. Hết hạn 3 năm, Hà về nước. Ở nhà, Hà vừa kết hợp nghỉ ngơi, vừa tìm “cửa” để tiếp tục sang Đài Loan làm việc.
Theo đó, khoảng 4 tháng sau khi về nước, ngày 3/9/2014, Hà tiếp tục sang Đài Loan làm việc. Được một thời gian, Hà bỏ trốn ra ngoài lao động nên bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ, trục xuất về nước hồi đầu tháng 12/2016. Lần này, Hà bị nước này cấm nhập cảnh. Không cam lòng nên khi về Việt Nam, Hà tiếp tục tìm cách sang.
Cũng theo cáo trạng, sau khi về nước, Hà vẫn giữ liên lạc với những người bạn bên Đài Loan. Quá trình nói chuyện, Hà được họ cho số điện thoại và tài khoản mạng xã hội LINE của người đàn ông tên Quang (người Việt, quê Hà Tĩnh, đang sống ở Đài Loan). Quang là người có thể tổ chức đưa người sang Đài Loan bằng con đường bất hợp pháp.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử |
Đến tháng 8/2017, Hà liên lạc với Quang để nhờ người đàn ông này giúp mình sang Đài Loan. Quang đồng ý và đòi chi phí đưa sang là 6.500 USD, đặt cọc trước 500 USD, khi nào sang đến nơi sẽ nộp số còn lại, không phải làm giấy tờ gì.
Theo hướng dẫn của Quang, Hà bắt xe ra Hà Nội nộp tiền đặt cọc cho người đàn ông tên Hoàng (ở khu vực Mỹ Đình). Sau đó, Hà được Hoàng đưa lên ô tô với khoảng 17 người khác lên Lạng Sơn để sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Từ Trung Quốc, những người này được đưa đến bờ biển để sang Đài Loan bằng tàu thủy. Khi đang lênh đênh trên biển, Hà và những người trong đoàn bị cảnh sát Đài Loan bắt, giam khoảng 1 tháng rồi trục xuất về nước hôm 17/9/2017.
Vẫn không từ bỏ ý định sang Đài Loan làm việc, tháng 10/2017, Hà tiếp tục liên hệ với Quang để trốn sang Đài Loan. Lần này, Quang đã tổ chức cho Hà trốn sang đất nước này thành công. Thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với Hà. Bởi sau gần 1 tháng làm việc “chui” tại đây, Hà lại bị bắt giam, trục xuất về nước tiếp.
Đến đầu tháng 12/2017, Hà lại bảo Quang tìm cách đưa mình sang Đài Loan. Qua điện thoại, Hà được Quang nhờ tìm người có nhu cầu đi Đài Loan cho mình với mức chi phí là 6.500 USD/người. Tìm được người đi, Quang sẽ cho Hà từ 100 – 200 USD/người nên đồng ý.
Trong quãng thời gian tìm người cho Quang, Hà nói lại cho anh trai là Phạm Xuân Hải nghe. Thấy em trai nói tìm được người sẽ được trả công từ 100 - 200 USD/người, Hải đã không ngần ngại mà lập tức “tham gia” cùng em trai mình.
Cơ quan chức năng xác định, qua mạng xã hội, Hà tìm được 4 người có nhu cầu đi Đài Loan, Hải tìm được 2 người. Ngoài ra, có 10 người ở các địa phương khác tự liên hệ với Hà để đi Đài Loan.
Theo lời khai của Hà, 10 người trên không biết Quang nhưng người thân hoặc bạn bè của họ có mối quan hệ với Quang nên mới có số điện thoại của Hà để liên hệ đi.
Đến ngày 15/1/2018, Hà, Hải tập hợp 16 người trên tại một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để lên Lạng Sơn sang Trung Quốc rồi vượt biên sang Đài Loan. Tại đây, Hà đã trực tiếp thu tiền đặt cọc của nhiều người. Đang thu tiền đặt cọc, họ bị công an kiểm tra, đưa về trụ sở làm việc.
Với hành vi trên, anh em nhà Hà và Hải bị khởi tố, đưa ra xét xử về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Tại phiên tòa xét xử, anh em bị cáo Hà, Hải đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo lời khai của Hà, thì bị cáo chỉ muốn giúp những người có hoàn cảnh như mình được đi nước ngoài lao động, kiếm tiền phát triển kinh tế.
Khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, anh em bị cáo Hà đều mong HĐXX xem xét, cho mình được hưởng mức án nhẹ.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Hà 7 năm tù và bị cáo Phạm Xuân Hải lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Tác giả: Mạnh Hùng
Nguồn tin: Báo Công lý