Vì sao Sở văn hóa, thể thao, du lịch không giám sát?
Như Pháp luật Plus đã đưa tin, tháng 9/2017, Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn – Giang Đình đã rầm rộ tổ chức lễ khai trương tuyến du lịch, du thuyền trên sông Lam. Điểm nhấn là khai trương, đưa vào hoạt động Du thuyền “Giang Đình cổ độ” 2 tầng, với sức chứa 340 du khách.
Khi khai trương, Tàu du lịch “Giang Đình cổ độ” được chủ đầu tư và chính quyền đặt nhiều kỳ vọng trong khai thác tuyến du lịch du thuyền trên sông Lam, hi vọng tạo ra sản phẩm du lịch mới kết hợp bảo tồn, phát huy các di sản vật thể, phi vật thể trong vùng.
Theo thông tin phóng viên Pháp luật Plus có được thì: "Du thuyền 2 triệu đô" hiện chưa có bất kỳ giấy phép nào liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, cũng như luồng, tuyến đường thủy nội địa, bến đậu của phương tiện… Vậy mà con tàu “Giang Đình cổ độ” ở Hà Tĩnh vẫn ngang nhiên hoạt động vận tải hành khách, du lịch trên sông Lam.
Con tàu Giang Đình cổ độ có giá trị hàng triệu đô tại Hà Tĩnh. |
Tuy nhiên, khi đem vấn đề này trao đổi với Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Xuân Thập, thì PV Pháp luật Plus rất ngạc nhiên khi được biết Sở không cấp phép hoạt động du lịch, cũng như hoạt động ca múa nhạc cho tàu này, vì Sở không quản lý, giám sát (?)
Ông Thập nói: “Sở chỉ có chức năng thẩm định dự án, có ý kiến để cấp phép đầu tư, việc ca hát ở đây không mang tính chất chuyên nghiệp, mà là nghiệp dư” và “nếu họ có ca hát, ca nhạc nhạc thì đó là tự phát quần chúng, theo nhu cầu của khách, sở không quản lý, giám sát”.
Lễ khai trương "Tuyến du lịch, du thuyền trên sông Lam" được tổ chức hoành tráng vậy nhưng Sở VHTTDL lại không quản lý? (ảnh trên facebook Du thuyền Giang Đình cổ độ) |
Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu quan điểm, nên tạo điều kiện cho tàu hoạt động: “Quan điểm cá nhân của tôi, cũng là của ngành, đây là sản phẩm du lịch mới, trong điều kiện của Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn, đang tập trung để cải thiện môi trường đầu tư… thì mình cũng nên tạo điều kiện.
Riêng ngành du lịch thì ủng hộ. Ở đây không phải là ủng hộ việc sai, mà là ủng hộ để kích thích các loại hình du lịch mới phát triển”.
Tạm dừng hoạt động vì không có phép.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường thủy Hà Tĩnh (PC 68), trước và sau khi tàu du lịch “Giang Đình cổ độ” khai trương đi vào hoạt động (ngày 1/9/2017), đơn vị đã cử cán bộ kiểm tra, giám sát hoạt động của con tàu này, vì lần đầu tiên tại Hà Tĩnh tàu du lịch cỡ lớn hoạt động trên luồng, tuyến thủy nội địa.
Trao đổi với PV Pháp luật Plus, Thượng tá Nguyễn Huy Hùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Hà Tĩnh cho biết, ngày 6/9, đơn vị đã cử cán bộ kiểm tra hồ sơ, giấy phép, cũng như các biện pháp an toàn của tàu và đã phải lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện tạm dừng hoạt động.
“Trên cơ sở kiểm tra, tàu có đăng ký, có kiểm định, có hệ thống cứu hộ cứu nạn, thuyền trưởng có chứng chỉ chuyên môn, có máy trưởng…Nhưng nếu như hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ du lịch, ăn uống thì chưa đảm bảo”- Thượng tá Hùng cho biết.
Tờ rơi quảng cáo các dịch vụ của "Du thuyền triệu đô". |
Theo Thượng tá Hùng, đối với tàu “Giang Đình cổ độ” này, về phương tiện, người điều khiển thì có đủ điều kiện hoạt động. Nhưng giấy phép kinh doanh, luồng, tuyến, bến bãi, hoạt động du lịch… thì chưa có.
Do đó “Phòng CSGT đường thủy sau khi kiểm tra đã lập biên bản, tạm dừng các hoạt động kinh doanh trên, yêu cầu họ không được phép hoạt động vận tải hành khách, dịch vụ du lịch trên sông Lam”- Thượng tá Hùng cho biết.
Trung tá Nguyễn Văn Khánh - Thủy đội trưởng Thủy đội 1, CSGT đường thủy Hà Tĩnh, người trực tiếp kiểm tra, lập biên bản yêu cầu tàu “Giang Đình cổ độ” dừng hoạt động cũng cho biết:
“Lúc kiểm tra, thì tàu chỉ mới có đăng ký, đăng kiểm, bằng thuyền trưởng, máy trưởng… Nhưng thiếu danh sách thuyền viên, người phục vụ trên tàu… Cái nặng nhất mà tàu này không có, là giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải, du lịch, giấy phép khai thác luồng, tuyến, bến đi bến. Riêng bến đậu đó chỉ là bến đậu tạm thời. Đơn vị đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, khi có đầu đủ thủ tục mới được hoạt động”.
Tuy nhiên, chủ đầu tư “Giang Đình cổ độ” đã phớt lờ lệnh cấm hoạt động của cơ quan chức năng, vẫn hoạt động đưa, đón hành khách trên tàu không phép. Điển hình là chiều tối ngày 9/9, tàu “Giang Đình cổ độ” vẫn hoạt động rầm rộ, đón đưa rất nhiều du khách, trong đó có cả… Chủ tịch, Bí thư huyện ủy Nghi Xuân.
Nói về vấn đề này, Thượng tá Hùng khẳng định “Quan điểm của lãnh đạo phòng, hiện đã lập biên bản, yêu cầu không được phép hoạt động, nếu hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, dịch vụ du lịch thì sẽ xử phạt nghiêm”.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, xử lý.
Sau khi Pháp luật Plus phản ánh: “Du thuyền 2 triệu đô” ngang nhiên hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, du lịch trên sông Lam khi chưa được phép, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành liên quan kiểm tra, xử lý.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương yêu cầu kiểm tra, xử lý vấn đề Pháp luật Plus phản ánh. |
Theo đó, ngày 22/9 Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn số 5936/UBND - KT, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu các Sở, ngành chức năng có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra cụ thể những vấn đề Pháp luật Plus đã nêu; xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan đến Dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình tại Thị trấn Nghi Xuân, cũng như Nhà đầu tư là công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 5461/UBND-KT ngày 28/8/2017.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Trần Hoàng - Bùi Tiến
Nguồn tin: Pháp Luật Plus